Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản

Chủ nhật, 03/09/2023 | 09:15
[G-News24/7] -

"Chúng tôi đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8. Quyết định nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu", Cơ quan Hải quan Trung Quốc hôm nay ra thông báo.

Trung Quốc ra quyết định vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh chỉ trích hành động này "cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm, gây rủi ro toàn cầu, ảnh hưởng thế hệ tương lai".

"Bằng cách coi xả thải là 'chuyện đã rồi', Tokyo tự đặt mình trước nguy cơ bị kiện lên tòa quốc tế. Nhật Bản không nên gây tổn hại người dân vì lợi ích riêng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

33TE36G-preview-5125-1692861239.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S0YykAOurVWZp0_girG4HQ

Một quầy hàng tại chợ cá ở Bắc Kinh, ngày 24/8. Ảnh: AFP

Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản vào tháng 7. Năm ngoái, nước này nhập khẩu hơn 500 triệu USD thủy hải sản từ Nhật Bản.

Nhật sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm nay. Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay nước được xử lý triệt để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.

Nhật Bản khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống. Dù vậy, đánh giá của IAEA và Nhật gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia.

Một số học giả cho rằng nước thải chứa tritium vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về tác động của tritium đối với môi trường và thực phẩm, dù xả nước thải chứa phóng xạ là hoạt động phổ biến của các nhà máy trên thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Nhật Bản "không chứng minh được tính hợp pháp, tính an toàn của kế hoạch xả thải cũng như độ tin cậy lâu dài của các thiết bị lọc". Trong khi đó, Tokyo đáp trả rằng Bắc Kinh truyền bá "những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học".

200-met-1-2159-1692861240.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7Pbl9Skf4juJUQ3xjVI8PA

Hệ thống xả nước thải hạt nhân ra biển tại nhà máy Fukushima. Đồ họa: Reuters

Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý khoảng 1.000 bể thép chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.

Khi không còn đất xây bể chứa và cần giải phóng không gian, giới chức Nhật Bản từ năm 2021 bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải qua xử lý xuống biển. Đợt xả hôm nay là đợt đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước, giải phóng ra biển khoảng 5 nghìn tỷ Bq tritium.

TEPCO ước tính quá trình xả toàn bộ 1,34 triệu tấn nước thải mất khoảng 30 năm.

Kế hoạch này từ lâu vấp phải phản đối từ phía các nghiệp đoàn đánh cá Nhật Bản, cũng như các láng giềng như Trung Quốc hay phe đối lập Hàn Quốc. Trong khi đó, Washington ủng hộ kế hoạch, cho biết "gần như toàn bộ" các nhà máy hạt nhân ở Mỹ đều xả nước thải có hàm lượng phóng xạ thấp qua đường thủy.

Đức Trung (Theo AFP)

g-news247