Phát triển kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Trung Quốc kiên trì phát triển chất lượng cao, đề xướng phát triển xanh, phát triển số hóa, phục hồi kinh tế phát triển bền vững. Trong nửa đầu năm, GDP của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mức tăng trưởng trong quý II là 6%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 3% của cả năm ngoái. Phát triển xanh đang tăng hết tốc lực, sản lượng pin mặt trời và các sản phẩm tuabin gió tăng lần lượt 54,5% và 48,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xe ô tô sử dụng năng lượng mới tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp cao có đà tăng trưởng tốt, phát triển chất lượng cao đang được đẩy mạnh, đầu tư vào sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao tăng lần lượt 11,8% và 13,9% so với cùng kỳ năm trước, dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành truyền tải thông tin, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa - Nguồn: Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM
Thị trường tiêu thụ tiếp tục mở rộng. Trung Quốc có dân số hơn 1,4 tỷ người và nhóm thu nhập trung bình hơn 400 triệu người, là thị trường tiêu thụ với quy mô rất lớn. Trong nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II là 10.7%, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 4,9 điểm phần trăm so với quý I. Mô hình kinh doanh và hình thức kinh tế mới đang phát triển nhanh chóng, nhịp sống thị trường không ngừng khởi sắc, mức bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 26,6% tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng. Tiêu thụ dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác tiếp tục tăng trở lại, với doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu phòng vé cả nước tăng 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được tối ưu hóa. Ngày 13/08 năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về việc tối ưu hóa hơn nữa môi trường đầu tư nước ngoài và tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài”. “Ý kiến” công bố 24 biện pháp cụ thể, đề xuất tiếp tục xây dựng thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc” và kiến tạo môi trường kinh doanh hàng đầu như thị trường hóa. Kể từ đầu năm nay, Bộ Thương mại tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ “Năm đầu tư vào Trung Quốc”, trong đó có hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm cung cấp thông tin tham khảo về xu hướng đầu tư toàn cầu cho các nhà đầu tư nước ngoài và chỉ ra phương hướng đầu tư vào Trung Quốc.
Tiếp tục tăng cường mở cửa với bên ngoài. Trung Quốc khẳng định thúc đẩy mở cửa với bên ngoài ở mức cao và mang lại cơ hội mới cho thế giới bằng công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2023, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới ở Trung Quốc tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong 5 năm qua, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là 9,1%, cao hơn nhiều so với ở Châu Âu và Hoa Kỳ khoảng 3%. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm Trung Quốc đề ra cùng xây dựng sáng kiến “Vành đai và con đường”. Trong mười năm qua, sáng kiến “Vành đai và con đường” đã thu hút gần 1 nghìn tỷ USD đầu tư, tạo ra 420.000 việc làm cho quốc gia cùng xây dựng và giúp gần 40 triệu người thoát nghèo. Sáng kiến “Vành đai và con đường” đang trở thành “vành đai giàu có” mang lại lợi ích cho thế giới và là “con đường dẫn đến hạnh phúc” mang lại lợi ích cho người dân.
Ảnh minh họa - Nguồn: Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM
Niềm tin bên ngoài tiếp tục tăng cao. Nhiều tổ chức quốc tế đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, trong đó “Báo cáo triển vọng kinh tế Thế giới” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 5,2%, tỷ lệ đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 1/3. Các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng cũng tràn đầy niềm tin đối với thị trường Trung Quốc, với các giám đốc điều hành của các tập đoàn như Microsoft, Apple, Tesla, ADM, Rio Tinto và Công ty Dầu Ả Rập Xê Út gần đây đã đến thăm Trung Quốc và bỏ “phiếu tín nhiệm” đối với Trung Quốc, bày tỏ rằng họ "đặt niềm tin vào thị trường Trung Quốc" và "muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc".
Trung Quốc có thị trường tiêu dùng rộng lớn, các chủ thể thị trường năng động và môi trường kinh doanh thuận lợi. Nền kinh tế Trung Quốc có sức bền cao, tiềm năng lớn và tràn đầy sức sống, điều này không chỉ tạo ra động lực mới cho phục hồi kinh tế thế giới trong thời gian ngắn hạn mà còn có tiềm năng tạo ra đà tăng trưởng trong thời gian dài hạn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2013 đến năm 2021, tỷ lệ đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới là 38,6% và tỷ lệ đóng góp vào giảm nghèo thế giới vượt qua 70%. Do đó, Trung Quốc là cơ hội chứ không phải là rủi ro. Việc “loại bỏ rủi ro” đối với Trung Quốc do Hoa Kỳ và Châu Âu đề xuất thực chất có nghĩa là loại bỏ các cơ hội, hợp tác, ổn định và phát triển, “loại bỏ rủi ro” mới là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế thế giới, chỉ làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn.
Ông Wei Huaxiang (Ngụy Hoa Tường), Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP HCM phát biểu tại một sự kiện. Nguồn: Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa và là đối tác hợp tác quan trọng. Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duy trì trao đổi chiến lược, chỉ đạo chiến lược và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam. Trao đổi kinh tế, thương mại song phương ngày càng trở nên chặt chẽ, đạt mức kỷ lục mới vào năm 2022 (234,9 tỷ USD). Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,9%, tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 1,1 tỷ USD, thúc đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc, cùng với đó Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ và thực thi chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh đối thoại thay vì đối đầu, phá bỏ các bức tường thay vì xây dựng chúng, hội nhập thay vì tách rời, bao dung hơn là loại trừ. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, để cùng nhau tăng cường đối thoại hợp tác, cùng ngăn chặn và giải quyết những rủi ro thực tế, không ngừng tiếp thêm năng lượng tích cực cho hòa bình, an ninh thế giới, phát triển và thịnh vượng toàn cầu.
Wei Huaxiang (Ngụy Hoa Tường), Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP HCM
...