(KTSG Online) – Thành công của Mate 60 Pro, mẫu điện thoại thông minh cao cấp mới nhất của Huawei, có thể là quả ngọt ban đầu của nỗ lực “tự lực cánh sinh” công nghệ của Trung Quốc. Bắc Kinh đang kỳ vọng những sản phẩm công nghệ cao như vậy sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ.
- Thị phần của Apple ở Trung Quốc có thể bị đe dọa bởi Huawei Mate 60 Pro
- Mỹ dừng xuất khẩu công nghệ cho Huawei
Sau khi mở bán vào cuối tháng trước, lô đầu tiên của Mate 60 Pro nhanh chóng cháy hàng. Các nguồn tin trong ngành cho biết, tính đến ngày 1-9, Huawei bán được 800.000 Mate 60 Pro. Lượng đơn đặt mua mẫu điện thoại này được cho là lên đến con số 15-17 triệu.
Có tốc độ kết nối tương tự 5G và tính năng liên lạc vệ tinh cũng như được trang bị chip xử lý lõi cao cấp, kích cỡ 7 nanometer, Mate 60 Pro được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ các nỗ lực kìm tỏa công nghệ của Washington. Bên cạnh đó, cơn sốt mà Mate 60 Pro tạo ra cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai gặp khó khăn tứ bề.
“Ngành công nghiệp sản xuất điện tử của Trung Quốc đã cho thấy sự phục hồi bền vững kể từ đầu năm nay”, Tân Hoa Xã dẫn lời Yang Xudong, Phó giám đốc Cục Thông tin điện tử thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), nói.
Ông cho biết thêm Trung Quốc sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống logistics để giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác thị trường quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng điện tử.
Theo kế hoạch hành động do MIIT và Bộ Tài chính Trung Quốc công bố vào tháng trước, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng cường nguồn cung các sản phẩm cao cấp như smartphone 5G để ổn định tăng trưởng công nghiệp và giải phóng tiêu dùng trong nước.
Sau màn ra mắt thành công của Mate 60 Pro, được trang bị chip xử lý lõi 7 nanometer, Washington đã mở cuộc điều tra để làm rõ vì sao Trung Quốc có thể sản xuất loại chip cao cấp này giữa lúc Mỹ đã siết chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ.
TechInsights Mate 60 Pro sử dụng chip 5G Kirin 9000s do hãng chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC sản xuất.
“Chúng tôi đang tìm thêm thông tin về đặc tính và thành phần của con chip 7 nanometer này”, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài chip xử lý lõi, Mate 60 Pro sử dụng tỷ lệ linh kiện Trung Quốc cao bất thường, theo TechInsights. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của Bắc Kinh trong việc phát triển năng lực công nghệ trong nước.
Hôm 6-9, theo hạ nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban hạ viện Mỹ về Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ chấm dứt mọi hoạt động xuất khẩu công nghệ cho Huawei và SMIC, theo Reuters.
Gallagher nói rằng SMIC có thể đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, vì con chip 7 nanometer này không thể được sản xuất nếu không có công nghệ của Mỹ.
Trong khi đó, tờ Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc đăng bài xã luận khẳng định lại lời kêu gọi của Bắc Kinh nhằm tăng cường nỗ lực tự lực cánh sinh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
MIIT cam kết nâng cấp hạ tầng viễn thông di động, kêu gọi đổi mới nhiều hơn trong các công nghệ chủ chốt, tập trung vào việc thúc đẩy và củng cố hệ sinh thái smartphone màn hình gập, nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực công nghệ. Theo dự báo của MIIT, smartphone 5G sẽ chiếm 85% tổng số doanh số smartphone của Trung Quốc trong năm tới.
“Chỉ dựa vào kế hoạch là chưa đủ. Chúng ta phải nhìn xa hơn, và phải mất vài chục năm mới có thể nuôi dưỡng và tích lũy tài năng công nghệ”, Ding Changfa, giáo sư ở Khoa kinh tế của Đại học Hạ Môn, bình luận.
Ông cho rằng với nguồn vốn, nhân tài và công nghệ còn hạn chế, tham vọng của đất nước nhằm làm chủ toàn bộ chuỗi công nghiệp là điều không thể. “Vì vậy, điều quan trọng là tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đón nhận toàn cầu hóa”, ông nói thêm.
Theo MIIT, điện tử tiêu dùng và các ngành liên quan, bao gồm quang điện và pin lithium, đóng vai trò chiến lược trong việc củng cố nền kinh tế quốc gia, chiếm 14,8% tổng doanh thu công nghiệp hồi năm ngoái.
Theo kế hoạch hành động của chính phủ, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực máy tính, truyền thông và điện tử dự kiến đạt trung bình khoảng 5% từ nay đến năm sau.
Ngoài lĩnh vực điện tử, kế hoạch này cũng nêu ra sáu khu vực tăng trưởng mới, bao gồm thực tế ảo, điện toán tiên tiến và quang điện thông minh.
Theo MIIT, trong 7 tháng đầu năm, các nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu của Trung Quốc, chứng kiến lợi nhuận tổng cộng của họ đạt 276,32 tỉ nhân dân tệ (38 tỉ đô la).
Theo SCMP, Bloomberg