Tổng thống Vladimir Putin ngày 13/9 tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Vostochny Cosmodrome, sân bay vũ trụ hiện đại nhất của Nga ở miền đông đất nước. Lãnh đạo Triều Tiên đã đặt nhiều câu hỏi chi tiết với ông chủ Điện Kremlin khi tham quan bên trong cơ sở.
Sân bay vũ trụ Vostochny nằm ở vùng Amur viễn đông Nga, đi vào hoạt động vào năm 2016. "Đây hiện là cơ sở phóng phương tiện vào không gian quan trọng bậc nhất của Nga", Mark Hilborne, chuyên gia an ninh vũ trụ tại Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết. "Nó còn tương đối mới và vô cùng hiện đại".
Được Tổng thống Putin đề xuất xây dựng vào năm 2007, sân bay vũ trụ này nhằm mục đích giảm tình trạng phụ thuộc của Nga vào các quốc gia khác trong nỗ lực chinh phục không gian. Kể từ giữa thế kỷ 20, cơ quan vũ trụ Nga chủ yếu thuê sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan làm địa điểm phóng chính.
Vào thời điểm khai trương, sân bay vũ trụ Vostochny được ca ngợi là biểu tượng cho tham vọng khám phá không gian độc lập của Nga.
"Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể phóng bất kỳ tàu vũ trụ nào lên mọi quỹ đạo không gian một cách độc lập", nhà lập pháp Nga Irina Yarovaya tuyên bố vào năm 2016. "Sân bay vũ trụ Vostochny là cơ sở phóng không gian của thế kỷ 21 và đại diện cho triết lý mới của nước Nga hiện đại".
Theo giới chuyên gia, sân bay vũ trụ Vostochny là minh chứng mạnh mẽ về tham vọng khám phá không gian của Nga, đặc biệt là về khả năng tự lực trong hành trình chinh phục vũ trụ.
"Ngày càng có nhiều quốc gia coi không gian là một cách để thu hút các quốc gia khác và tận dụng hỗ trợ từ họ", Hilborne cho hay.
Hilborne đánh giá việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Vostochny có thể là cách Tổng thống Putin thể hiện ủng hộ đối với chương trình không gian của Nga bất chấp những sự cố gần đây.
Hôm 11/8, tàu vũ trụ Luna-25 đã cất cánh từ Vostochny để thực hiện sứ mệnh chinh phục cực nam Mặt Trăng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thất bại khi con tàu lao vào bề mặt Mặt Trăng.
Tháng trước, Triều Tiên tuyên bố họ sẽ kiên trì nỗ lực phóng vệ tinh vào quỹ đạo sau hai lần thất bại. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên án vụ phóng gần đây nhất, cho rằng hành động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Sau khi ông Putin và ông Kim hội đàm, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moskva nhìn thấy triển vọng hợp tác với Bình Nhưỡng về lĩnh vực không gian, trong đó có khả năng đưa một nhà du hành Triều Tiên vào vũ trụ.
Dù vậy, Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), tỏ ra hoài nghi về khả năng Nga chia sẻ công nghệ vũ trụ với Triều Tiên. "Nga vẫn có trách nhiệm tuân thủ các biện pháp trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng. Do đó, họ có lý do để không cung cấp một số công nghệ nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực vệ tinh".
Lee Choon Geun thuộc Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định Nga có thể tìm cách hướng dẫn Triều Tiên chế tạo vệ tinh, thay vì chế tạo chúng cho Bình Nhưỡng.
Khó có khả năng Nga phóng vệ tinh cho Triều Tiên vì hành động đó sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
"Bất kỳ hình thức chuyển giao hoặc phối hợp công nghệ vệ tinh nào giữa Nga và Triều Tiên đều có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế", ông cho hay. "Không có cách giải quyết nào cả".
Vũ Hoàng (Theo Reuters, Washington Post)