Trong bối cảnh tranh luận về lợi ích thực tế của môn học đối với nhiều người ở Trung Quốc, mới đây, ĐH Giao thông Tây An quyết định loại bỏ yêu cầu bắt buộc tiếng Anh đối với sinh viên.
Đại diện trường xác nhận không yêu cầu sinh viên phải hoàn thành kỳ thi tiếng Anh (CET) để xét tuyển đầu vào hoặc tốt nghiệp.
CET (College English test) là kỳ thi tiếng Anh toàn quốc do Vụ Giáo dục CĐ, ĐH thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức. Đối tượng chính của kỳ thi là sinh viên CĐ, ĐH hoặc nghiên cứu sinh… Để xét tuyển ĐH, sinh viên Trung Quốc phải hoàn thành cấp 4 (CET-4) và cấp 6 (CET-6) đối với người tốt nghiệp ĐH.
Văn phòng Nghiên cứu Học thuật của ĐH Giao thông Tây An cho biết sự thay đổi này là biện pháp bình thường được trường thực hiện theo diễn biến hiện tại. Trường nhấn mạnh thêm, các khóa học tiếng Anh dành cho bậc ĐH dựa trên CET vẫn được giảng dạy.
ĐH Giao thông Tây An nằm trong danh sách 140 trường thực hiện dự án "Song nhất lưu", nhằm thúc đẩy xây dựng các trường và ngành học hạng nhất thế giới được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố năm 2015. Đây cũng là trường ĐH đầu tiên triển khai dự án này, thay đổi bằng việc loại tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc.
Tiến sĩ Ngô Hiểu Vũ - nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học tại ĐH Hong Kong (Trung Quốc), cho biết việc loại bỏ CET không làm giảm tầm quan trọng của tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nói chung, nhưng sẽ khiến sinh viên có ít động lực học ngôn ngữ hơn.
"Điều không thay đổi là phần lớn thị trường việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn coi tiếng Anh có lợi. Đối với sinh viên có trình độ tiếng Anh cao, họ sẽ chứng minh đây là cơ hội", ông Ngô Hiểu Vũ nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý thêm, quan điểm cho rằng việc học ngôn ngữ thứ hai sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ mẹ đẻ của người học là sai lầm.
"Trẻ em có khả năng sử dụng song ngữ hoặc thậm chí đa ngôn ngữ khi chúng tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ. Trong khi đó, sinh viên đại học là người trưởng thành đều đạt đến trình độ thông thạo tiếng mẹ đẻ. Cho dù học bao nhiêu ngôn ngữ mới, họ vẫn có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ", ông Ngô cho hay.
Cùng với Tiếng Trung và Toán, Tiếng Anh là môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc (Cao khảo).
Kế hoạch giảm bớt gánh nặng môn tiếng Anh trong khi tăng cường học tiếng Trung đã được thảo luận trong khoảng 10 năm trở về đây ở Trung Quốc. Trong đó, các trường ĐH cũng được khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn tiếng Anh để giảm bớt áp lực cho sinh viên, đặc biệt là các em ở khu vực nông thôn không sử dụng nhiều.
Trước đó, hồi tháng 3, ông Đà Khánh Minh - nhà Lập pháp ở Trung Quốc, gây chú ý trong phiên họp lập pháp thường niên tại Bắc Kinh với phát biểu: "Tiếng Anh có ít giá trị thực tế đối với nhiều người".
"Đối với một bộ phận, việc học Ngoại ngữ chỉ để vào ĐH. Những gì họ học thực sự mang tính định hướng cho kỳ thi. Họ ít khi hoặc không sử dụng Ngoại ngữ trong công việc hoặc cuộc sống", ông Đà nói thêm.
Trước quan điểm này, ông Ngô Hiểu Vũ cho rằng: "Tính ít giá trị thực tế, có nghĩa là sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi, nhưng vẫn khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh. Do đó, hệ thống này nên được cải cách thay vì bãi bỏ".
"Chúng ta không nên coi quyết định của ĐH Giao thông Tây An là dấu hiệu họ ít coi trọng tiếng Anh. Thay vào đó, có thể hiểu hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc đang tìm cách cải tổ kỳ thi tiếng Anh cấp đại học cho phù hợp với nhu cầu học và nghề nghiệp của sinh viên.
Lý tưởng nhất sinh viên nên được đào tạo ngôn ngữ đa dạng, từ cách diễn đạt đến giao tiếp giữa các cá nhân", ông Ngô Hiểu Vũ nói.
Theo SCMP
Hiệu trưởng phải ngăn tình trạng 'thu tiền liên kết tiếng Anh nhưng không dạy'Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đối với việc liên kết tổ chức dạy học ngoại ngữ tăng cường, dạy giao tiếp với người nước ngoài, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm theo dõi hoạt động thu học phí.