Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Trường đại học thỉnh cầu tăng học phí

Thứ ba, 05/09/2023 | 08:54
[G-News24/7] -

Tại Hội nghị tổng kết năm học với giáo dục đại học ở TP HCM do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 26/8, học phí đại học là vấn đề được nhiều trường đề cập.

PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng nếu không có đầu tư thích đáng, các trường không thể nâng cao chất lượng giáo dục

"Chúng tôi sẵn sàng cùng với Bộ ký thư thỉnh cầu để các trường có thể tăng học phí, có nguồn để đảm bảo chất lượng đào tạo", ông Sơn nói.

z4638806802551-3e9e18a13654b62-8870-7126-1693057760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kZEnfBp0QysObtKBFzH-UA

PGS Lê Quang Sơn đề xuất ký thư thỉnh cầu tăng học phí, chiều 26/8. Ảnh: Lệ Nguyễn

Ông Sơn nhìn nhận các trường đang theo xu hướng mở rộng quy mô đào tạo, tuyển sinh, lấy nguồn thu học phí để hoạt động. Đó là phát triển theo hướng mở rộng chứ không phải đào sâu, như thế rất khó để đảm bảo chất lượng.

"Chúng tôi vẫn nói đấy chẳng qua là cách để mình ăn thịt chính mình, mình đầu tư quá nhiều sức lực để mở rộng quy mô đào tạo ra để lấy tiền", ông Sơn chia sẻ.

Cùng ý kiến về học phí, GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nói tự chủ đại học là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, các trường sẽ rất khó khăn nếu không được tăng học phí, đặc biệt là các trường mới thực hiện tự chủ đại học trong vài năm gần đây.

"Những trường tự chủ từ trước đã tăng học phí, ổn định và phát triển tốt rồi nhưng các trường mới tự chủ thì khó khăn. Nhiều trường tôi biết khó khăn chồng chất", GS Tú nói, mong Bộ tiếp tục đề xuất với Chính phủ có thêm chính sách tài chính giúp cho các trường.

ong-tu-9023-1693057760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9J2bWTGtryFarhmW1tRpYw

GS Nguyễn Hữu Tú nêu ý kiến tại hội nghị chiều 28/6. Ảnh: Lệ Nguyễn

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng thừa nhận nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng.

Lộ trình tăng học phí đã được vạch ra theo nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc này bị hoãn nhiều lần để hỗ trợ người dân sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay, các đại học đã dự kiến mức học phí mới.

Tuy nhiên hồi cuối tháng 7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81 về học phí công lập, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024. Nếu việc này được thông qua, các trường đã 4 năm liên tiếp không được tăng học phí.

Ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, cho biết Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về học phí trong năm học tới. Theo tinh thần chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, việc thực hiện khung học phí như nghị định 81 sẽ lùi một năm. Điều này có nghĩa học phí với các trường đại học chưa tự chủ có thể vẫn được tăng so với hiện nay, nhưng thay vì áp dụng mức trần của năm 2023 (1,41-2,76 triệu đồng một tháng) thì sẽ áp dụng mức trần của năm 2022 (1,2-2,45 triệu đồng một tháng). Mức hiện nay là 0,98-1,43 triệu đồng một tháng.

Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Ông Thịnh nói thêm trong quá trình đề xuất ý kiến, Bộ đã nêu những khó khăn của các trường nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.

Chủ trương tự chủ đại học được thực hiện từ năm 2015, thí điểm ở 5 trường. Năm 2017, con số này là 23 trường. Đến cuối năm 2022, cả nước có 141/232 trường đủ điều kiện thực hiện tự chủ. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt giảm ngân sách, có trường bị cắt hoàn toàn.

Theo một báo cáo hồi tháng 4 của nhóm chuyên gia World Bank, năm 2021, học phí chiếm tới 77% tổng thu của các trường tham gia khảo sát, nguồn ngân sách chỉ còn 9%.

Lệ Nguyễn

g-news247