Năm 1972, hơn hai phần ba tỉnh Quảng Trị cùng với Thành cổ Quảng Trị được giải phóng. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết; Quảng Trị là nơi được chọn đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Để tạo lập thêm các cơ sở văn hoá - xã hội, Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị được mau chóng thành lập. Đó là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ để phát triển sự nghiệp giáo dục ở vùng quê đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, mà còn có ý nghĩa ngoại giao, quốc tế và phát huy hiệu quả của sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới thời Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị mới đầu được hình thành bởi nhà tranh vách nứa, dựng tạm rất nhanh, ở Dốc Sỏi cách thị xã Đông Hà hơn 2km về phía Nam, cách trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chừng hơn 12km về phía Đông Nam. Thông báo khẩn về việc mở trường được gửi đến khắp các làng quê; học sinh tứ xứ mau chóng đổ về với niềm vui hân hoan, rạo rực sau ngày quê hương được giải phóng. Họ là những con em Quảng Trị, người sơ tán vào Nam, ra Bắc sau những năm 1967 - 1972 để tránh đạn bom. Thầy, cô giáo cũng được điều động về từ khắp nơi, chủ yếu từ miền Bắc.
Thầy và trò gặp nhau, ai cũng hứng khởi chuẩn bị ngày khai giảng. Ai cũng gầy gò, hốc hác, nhưng ai cũng nhiệt thành bắt tay lao động suốt ngày để dựng lán, mở trường; từ việc khuân vác tranh tre nứa lá, đóng tạm bàn ghế, đến san lấp làm sân, rồi tìm chỗ trọ… mau chóng ổn định cuộc sống. Thầy và trò đều ở trọ trong nhà dân; có nhà ở chung với chủ, có nhà vắng chủ; nhưng tất cả đều là nhà tạm, lợp mái tôn. Mùa hè nắng nóng như rang, mùa đông rét như cắt da; chăn màn đều hầu như không có… Một vùng quê mới được giải phóng, “không một ngọn cây cao quá đầu người”, còn đầy rẫy bom đạn giăng kín dưới mặt đất và cả phơi lộ khắp nơi… Lúc đó, ở Động Ông Do còn đì đoàng tiếng pháo giao tranh. Ở căn cứ Đông Hà còn là đống đạn bom chất đầy, hiểm nguy. Bao khó khăn, gian khổ và thiếu thốn mọi bề, thầy và trò đều chung sức chung lòng cùng nhau vượt qua.
Năm học 1973-1974, Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị được khai giảng đúng hẹn, bao gồm các lớp 10, 11 và 12 với hơn 200 học sinh; mỗi khối 2 lớp. Riêng hai lớp 12A và 12B có hơn 80 học sinh. Ngày khai giảng, cả thầy và trò có được niềm vui nhân đôi khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Lê San đến dự, phát biểu động viên.
Buổi thi tốt nghiệp khoá đầu tiên của 2 lớp 12 được tổ chức nghiêm cẩn với 6 môn học (ở miền Bắc năm đó thi 5 môn), trong đó có 2 môn thi vấn đáp (môn Lịch sử và môn Sinh học). Học sinh tốt nghiệp (Tú tài toàn phần) được hơn 95%.
Ngay từ những ngày đầu, thầy và trò đều được khích lệ, cùng nhau quyết tâm dù trong khó khăn, gian khổ, vẫn thi đua “dạy tốt, học tốt”, tạo nền dựng nếp cho một mái trường, đánh dấu một mốc son dưới thời Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên quê hương Quảng Trị mới ngày đầu được giải phóng.
Kề thừa truyền thống từ dấu mốc lịch sử này, về sau trường được đổi tên thành Trường THPT Đông Hà. Ngày nay, theo quy hoạch, trường được chuyển về trung tâm TP Đông Hà (Quảng Trị), với cơ ngơi ngày càng khang trang, đẹp đẽ giữa đô thị sầm uất, nhộn nhịp.
Hiện nay, Trường THPT Đông Hà mỗi khối có gần chục lớp, cả trường có gần ngàn học sinh, đội ngũ giáo viên trẻ, được đào tạo bài bản. Nhà trường vừa quan tâm phát triển chuyên môn, vừa liên tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đã được tặng nhiều huân chương cao quý vì thành tích xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục.
PGS.TS NGUYỄN VĂN DỮNGViện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Cựu học sinh Trường THPT Đông Hà, Quảng Trị