54 năm đã trôi qua, nhưng bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, vẫn nhớ như in ngày hay tin Bác mất. “Ngày 5-9, một sĩ quan cai ngục nói với chúng tôi Bác đã mất. Chúng tôi nghe nhưng không tin. Đến ngày 6-9, có gia đình các bạn tù đến thăm nuôi, họ mang theo các tờ báo có tin Bác mất, chúng tôi cũng chưa dám tin. Mãi đến khi liên lạc cùng các anh ở phòng giam khác, chúng tôi mới tin Người đã thật sự qua đời”, bà Hoàng Thị Khánh rưng rưng nhớ lại. Bà cho biết, lúc hay tin dữ ấy, các nữ tù đã ôm mặt khóc ngất.
Lúc ấy, nhà giam Chí Hòa đang giam giữ hơn 300 nữ tù chính trị. Họ bàn với nhau phải để tang và lập bàn thờ Bác. Rất nhanh chóng, bàn thờ được dựng lên từ thùng giấy, xô, thau và những chiếc áo bà ba đen được kết lại để phủ lên bàn thờ. Ảnh Bác được cắt ra từ những tờ báo, tài liệu; cờ đỏ sao vàng được vẽ trên giấy bằng thuốc ký ninh chữa sốt rét, xà bông…; hoa được làm từ các tờ giấy chị em nhặt được.
Nữ cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ: Khi ấy, chúng tôi quyết tâm dù sống hay chết cũng phải bảo vệ bàn thờ Bác, không để kẻ thù dẹp bàn thờ trong thời gian chúng tôi để tang Người. Năm ấy, bà Nguyễn Ngọc Ánh vừa tròn 18 tuổi, và bà không thể quên hình ảnh các dì, các chị trong các phòng giam cùng nhau hát Quốc ca vào lúc 5 giờ sáng. Người lớn tuổi đứng trước, người nhỏ hơn đứng sau thành hàng bảo vệ bàn thờ Bác trước sự hăm dọa, trấn áp của bọn lính... Chính từ sự gan dạ, kiên cường của các nữ tù chính trị, bọn lính đã chấp nhận cho các nữ tù chính trị được lập bàn thờ, để tang Bác trong 5-7 ngày.
Nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Kim Hương kể: Các nữ tù mặc áo bà ba đen, đầu đội khăn tang bằng vải mùng để tưởng nhớ Người. Để nhớ về Bác, các nữ tù vận động phong trào sáng tác thơ, văn, viết báo tường kể về công lao của Bác cũng như kể những câu chuyện mình biết về Bác…
“Khi nghe tin Bác mất, có thể nói là cả nước khóc, đau xót, tiếc thương cho một con người trọn đời vì nước vì dân. Ngày 21-7 âm lịch đã trở thành một ngày đặc biệt để chúng tôi tưởng nhớ đến Người, dặn lòng và dặn con cháu sống, làm việc thật xứng đáng với sự hy sinh của Người”, bà Hoàng Thị Khánh xúc động nói.
THÁI PHƯƠNG