Thứ sáu, 29 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Tưởng đột quỵ hóa u tuyến thượng thận

Thứ bảy, 16/09/2023 | 00:58
[G-News24/7] -

Tay chân bà Nguyên tê cứng, co quắp từ đầu năm đến nay, ba tháng qua càng yếu. Bà sợ đột quỵ, đi khám bác sĩ chẩn đoán huyết áp cao, tăng canxi, hạ kali máu. Sau khi truyền canxi, bà hết co cứng tay chân nhưng chỉ số kali trong máu vẫn thấp, uống thuốc hơn ba tháng không bớt.

Bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám, kết quả xét nghiệm cho thấy aldosterone (loại hormone do tuyến thượng thận tiết ra) tăng hơn 100 ng/ml, trong khi chỉ số bình thường ở tư thế đứng 2,21-35,3 ng/dl, tư thế nằm 1,17 - 23,6 ng/dl. Kali hạ còn 1,95 mmol/L, người bình thường là 3,5-5,1 mmol/L. Siêu âm ổ bụng và chụp MRI ghi nhận tuyến thượng thận trái có khối u hình cầu, kích thước khoảng 2 cm, nằm sâu sát cột sống, gần động mạch chủ, sau lách và dưới cơ hoành.

Ngày 13/9, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết khối u tuyến thượng thận là nguyên nhân gây hạ kali máu. Kali máu hạ thấp thường xuyên khiến bệnh nhân bị yếu cơ, cơ quắp.

Hormone aldosterone có tác dụng làm tăng tái hấp thu natri, tăng bài tiết kali qua thận để đưa ra ngoài qua nước tiểu, theo bác sĩ. Aldosterone tiết ra quá nhiều khiến thận tăng bài tiết kali quá mức đẫn đến hạ kali trong máu. Người bệnh truyền kali liên tục nhưng không kiểm soát lượng hormone aldosterone thì kali truyền vào sẽ bị thải qua thận. Kali là chất điện giải quan trọng giúp vận chuyển các tín hiệu điện cho các tế bào trong cơ thể. Hạ kali máu gây ảnh hưởng tim, thần kinh và cơ bắp, người bệnh có thể bị yếu liệt chân tay. Nếu không được kiểm soát sớm làm tăng huyết áp, nguy cơ đau tim, đột quỵ. Người bệnh dễ bị rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim.

BS.CKI Phan Trường Nam, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, chỉ định mổ nội soi sau phúc mạc cho bệnh nhân để tiếp cận bướu nhanh, dễ hơn, không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong ổ bụng. Phương pháp này còn giúp người bệnh ít đau, phục hồi nhanh sau phẫu thuật.

Sau một giờ mổ, ê kíp cắt bỏ khối u kích thước 2 x 2,5 cm, tổng lượng máu mất chưa đến một ml.

4-JPG-6724-1694673409.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hwiGWYRVe2exhJ5Wpvewpw

Bác sĩ Trường Nam (giữa) cùng ê kíp mổ nội soi cắt bỏ u tuyến thượng thận cho bệnh nhân. Ảnh: Đinh Tiên

Ba tiếng sau mổ, người bệnh ổn định sức khỏe, huyết áp ổn định, không cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, kali máu về mức bình thường. Nồng độ hormone aldosterone giảm ở mức an toàn, các hormone tuyến thượng thận bình thường.

Người bệnh tránh làm việc nặng 4-6 tuần. Tái khám và kiểm tra nồng độ hormone định kỳ để phòng thiếu hụt.

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ, có hình tam giác nằm trên đỉnh đầu của hai quả thận. Tuyến này tiết ra các loại hormone như cortisol, aldosterone, androgen, adrenaline, noradrenaline, có chức năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết, duy trì huyết áp, cân bằng natri và điện giải...

Aldosterone giúp tăng tái hấp thu natri, tăng bài tiết kali qua thận và ra ngoài qua nước tiểu. Hormone này tiết ra quá nhiều dẫn đến cường aldosterone. Người bệnh bị u tuyến thượng thận, tăng sản thượng thận hoặc ung thư biểu mô hay gặp phải tình trạng này. Dấu hiệu bệnh nhận biết gồm yếu cơ, tê liệt thoáng qua, cơ co quắp, tăng huyết áp, hạ kali máu...

Khám sức khỏe định kỳ hàng năm giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh, phòng biến chứng do tuyến thượng thận.

Đinh Tiên

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247