Trả lời:
Nghệ, mật ong lành tính, tốt cho sức khỏe. Mật ong giàu vitamin, khoáng chất, axit amin, hàm lượng flavonoid có hoạt tính kháng viêm, chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do gây tổn thương các tế bào. Thành phần hydrogen peroxide trong mật ong hỗ trợ làm lành vết thương, kháng khuẩn, kháng virus.
Nghệ chứa tinh bột, chất béo, khoáng chất, hoạt chất curcumin có công dụng sát khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm, kích thích bài tiết dịch mật, hỗ trợ giải độc gan, giảm triệu chứng một số bệnh tiêu hóa.
Kết hợp nghệ và mật ong có thể góp phần tiêu diệt các chủng vi khuẩn H. pylori - một trong những tác nhân gây nhiều bệnh dạ dày. Hỗn hợp này hỗ trợ giảm nồng độ axit, cân bằng pH trong dịch vị, củng cố lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, thực quản. Kết cấu nhầy, dính của mật ong bao phủ màng nhầy thực quản, hạn chế axit tiếp xúc, giảm tổn thương.
Các hoạt chất trong mật ong còn thúc đẩy sự phát triển các mạch máu mới, kích thích sự tăng trưởng tế bào và sửa chữa mô tổn thương. Nhờ đó, các triệu chứng đau, nóng rát dạ dày, trào ngược axit được cải thiện.
Bạn nên lưu ý liều lượng nghệ, mật ong khi sử dụng. Tránh dùng liều cao khi đói, hoặc uống gần thời điểm dùng thuốc kháng axit vì dễ dẫn đến tác dụng ngược, tăng triệu chứng ợ nóng, đầy hơi, buồn nôn. Nghệ gây loãng máu, không hợp với người đang uống thuốc chống đông, làm loãng máu, phụ nữ mang thai.
Nghệ có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, kích thích tuyến thượng thận... Cơ thể dễ mất khả năng chống viêm nếu nạp quá nhiều nghệ. Mật ong nhiều đường, ảnh hưởng xấu đến người bệnh tiểu đường, xơ gan, khó tiêu.
Bạn nên dùng hai thìa cà phê tinh bột nghệ nguyên chất với một thìa cà phê mật ong, pha với 150 ml nước ấm, uống 2-3 cốc mỗi ngày, trước ăn 30 phút hoặc một giờ sau ăn. Hạn chế trái cây nhiều chất xơ, thực phẩm có nhiều dầu mỡ khi uống mật ong để tránh tiêu chảy, ảnh hưởng niêm mạc dạ dày.
Triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, đau tức thượng vị của bạn có thể do trào ngược dạ dày thực quản, cũng có thể do loét dạ dày tá tràng, loét hẹp thực quản, rối loạn chức năng như ợ nóng, khó tiêu...
Bạn nên đi khám khoa tiêu hóa, để xác định nguyên và phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể đo pH trở kháng thực quản 24 giờ, ghi nhận trực tiếp diễn biến trong thực quản thông qua dụng cụ có cảm biến về độ axit và số cơn trào ngược, để chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược dạ dày.
Chuyên viên Nguyễn Thị Thương
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội