Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 25/8.
Theo quy hoạch, Sóc Trăng sẽ là đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ logistics, với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Cảng biển Trần Đề sẽ được hình thành năm 2030. Năm 2050, tỉnh là khu vực động lực phát triển của vùng gắn với cảng Trần Đề.
Vì vậy, cảng biển Trần Đề, hệ thống hạ tầng, sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển phù hợp với năng lực nhà đầu tư và nhu cầu phát triển.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lập khu kinh tế ven biển Trần Đề quy mô dự kiến 40.000 hecta. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng nhằm khai thác đồng bộ cảng biển nước sâu Trần Đề.
Trần Đề là một huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng nằm trên trục giao thông quốc lộ Nam Sông Hậu nối liền TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Bạc Liêu. Huyện có 12 km bờ biển, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế biển. Cảng Trần Đề được đánh giá sẽ kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, kỳ vọng là đột phá để đưa nhanh hàng hóa của 13 tỉnh miền Tây đi các nước.
Quy hoạch cảng Trần Đề - Sóc Trăng được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021. Công trình có quy mô khoảng 5.400 ha, năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng khoảng 100.000 DWT (tương đương 100.000 tấn), tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80-100 triệu tấn mỗi năm.
Cụm cảng Trần Đề sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại đồng bằng sông Cửu Long mà không phải chuyển đến Vũng Tàu. Vị trí cảng hiện kết nối với sân bay Cần Thơ, quốc lộ 1 và đường Nam sông Hậu, thuận lợi để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn trở lên. Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau sẽ tiếp cận với cụm cảng này.
Trần Đề sẽ trở thành cảng biển đặc biệt theo Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Viết Tuân