Những ngày đầu tháng 9, nạn kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ ở huyện miền núi Bá Thước, tập trung ở các cánh rừng già như Thung Chấn, xã Điền Thượng - nơi giun loại lớn sinh sống. Hàng trăm người từ khắp nơi kéo đến bắt giun, riêng xã Điền Thượng có khoảng 30 người.
Hàng sáng, trên con đường liên huyện vắt ngang sườn đồi, từng tốp đi xe máy mang theo dụng cụ hành nghề tiến vào rừng Thung Chấn. Bỏ lại xe máy ven lối mòn, họ chọn khoảng rừng gần nguồn nước, độ ẩm cao, đất đai màu mỡ để bắt đầu ngày kích giun kéo dài 7-8 tiếng.
Phát hiện điểm phân giun đùn lên khỏi mặt đất, thợ kích giun tên Long và bạn lôi bộ kích điện, cục ắc quy, cuộn dây điện dài hơn chục mét và những thanh sắt nhọn ra. Sợi dây điện lõi đôi màu vàng, một đầu được xoắn vào nguồn điện, đầu còn lại nối vào những thanh kim loại cỡ chiếc đũa. Bộ đôi chia nhau 5-6 que sắt lần lượt cắm xuống đất, sâu 25-30 cm rồi bật công tắc bộ kích điện.
Vài phút sau, trong bán kính hai mét vuông, những con giun đất đủ loại lớn nhỏ quằn quại ngoi lên. Con lớn như ngón tay trở lên được gom bỏ vào bao tải, con nhỏ bị loại. Tuần tự cứ thế cho đến khi hết giun lớn, nhóm Long lại dời đi nơi khác, bỏ lại mảng rừng bị dẫm nát và những con giun bé chết vì sốc điện.
Trung bình mỗi ngày một thợ ở Thung Chấn bắt khoảng 10 kg giun đất, có ngày trên dưới 20 kg, bán 35.000 đồng/kg. "Nghề này làm việc trong rừng sâu, địa hình hiểm trở, nhưng không quá vất vả, thu nhập tạm được nên tôi theo mấy tháng rồi", một thợ kích giun nói. Anh cũng như nhiều người khác không quan tâm tới việc bắt giun gây hại cho đất rừng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Do phải dọn dẹp mặt bằng cho quang đãng để tiện giăng dây điện và cắm thiết bị, thợ bắt giun đã phát dọn, chặt hạ nhiều khoảng rừng, chủ yếu là các loài cây thấp, dây leo, chuối rừng... Rừng Thung Chấn có hàng trăm điểm cây rừng bị phạt ngang gốc nằm ngổn ngang, có cây còn tứa mủ tươi.
Giun bắt về được người dân Điền Thượng bán cho cơ sở thu gom ở các xã Điền Quang, Ái Thượng, Thiết Ống... Khoảng hai tháng nay, một cặp vợ chồng từ tỉnh Tuyên Quang về thôn Chiềng Má, xã Điền Thượng thuê đất làm nhà ở và làm lò thu gom, phơi sấy.
Khu lò sấy nằm ngay ven tuyến đường liên huyện hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chủ lò tên Lan cho hay từng thu gom giun ở nhiều tỉnh như Phú Thọ, Hưng Yên, gần đây mới dạt về Thanh Hóa. Để thu số lượng lớn, chủ lò còn đầu tư thêm nhiều bộ kích điện, nếu ai có nhu cầu đi làm đều được phát dụng cụ miễn phí.
Theo chủ lò, trung bình 5 ngày có thể gom khoảng 2,5-3 tấn giun đã sấy khô (10-13 kg giun tươi thu được một kg khô), giá bán 640.000-860.000 đồng mỗi kg. Giun khô được xuất sang Trung Quốc làm thuốc đông y. "Giá bán gần đây chững lại, song thu nhập cũng ổn nên tôi vẫn theo nghề", chị Lan nói.
Chưa xử lý được vấn nạn kích giun đất
Ông Vũ Quang Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, đánh giá việc dùng kích điện đánh bắt giun gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, chất lượng đất đai, mất cân bằng sinh thái. Con giun được coi là chiến sĩ trong cải tạo đất đai. Người dân vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại môi trường.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không đủ chức năng, thẩm quyền để xử lý tình trạng này mà đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, nhiều cơ quan. Vừa qua, Chi cục đã gửi văn bản cho các địa phương cảnh báo nạn kích giun và đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, tìm giải pháp ngăn chặn.
Về phía địa phương, ông Hà Văn Ngọc, Phó chủ tịch xã Điền Thượng, cho hay huyện đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt người đi kích giun. Xã Điền Thượng cũng lập tổ công tác đi ngăn chặn, song "chưa bắt hay xử phạt được trường hợp nào vì không có chế tài".
Hiện Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng kích điện giun đất chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài. "Người dân thường làm việc trên đồi, giấu máy móc trong rừng nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Sau khi tuyên truyền, bà con cũng ký cam kết không bắt giun, song thực tế vẫn hoạt động", ông Ngọc nói.
Chính quyền cũng tổ chức kiểm tra các lò sấy giun nhằm ngăn chặn nguồn thu mua. Thượng tá Trương Xuân Hùng, Phó trưởng Công an huyện Bá Thước, cho hay theo khảo sát mới đây, địa bàn có 16 hộ xây dựng lều lán, thu gom giun sấy khô, tập trung ở các xã Thiết Ống, Điền Quang, Ái Thượng, Thành Lâm...
Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã cho dừng hoạt động 13 cơ sở do không có giấy phép kinh doanh. "Sắp tới đây chúng tôi sẽ cho dẹp hết. Cứ phát hiện ai dùng kích điện sẽ bắt, xử phạt...", thượng tá Hùng khẳng định.
Giun đất gồm nhiều loài, thuộc phân lớp Oligochaeta (phân lớp giun có đai sinh dục), ngành Annelida (ngành giun đốt). Theo giáo sư Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khi truyền dòng điện xuống lòng đất sẽ khiến không chỉ giun mà nhiều vi sinh vật sẽ chết, làm giảm khả năng tái sinh độ phì nhiêu của đất, khiến đất nghèo đi, sa mạc hóa, cây trồng bị ảnh hưởng, thậm chí là chết. Vì thế, kích điện giun đất phải bị xem như một loại tội phạm.
Lê Hoàng