Một cách chung nhất, có thể hiểu Xã hội là tất cả những gì thuộc con người và mối quan hệ của con người nhằm phân biệt nó với cái “tự nhiên”. Theo đó, Xã hội bao gồm toàn bộ những cá nhân con người liên kết nhau thành một hệ thống xác định. Trong đó, con người liên hệ nhau thông qua cả mạng lưới các quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị, quan hệ văn hóa, quan hệ tư tưởng, tinh thần. Nếu hiểu Xã hội theo nghĩa hẹp hơn thì con người tồn tại như tâm điểm, mục tiêu mà các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng của cả hệ thống xã hội hướng vào. Khi đó, vấn đề xã hội là những vấn đề nảy sinh giữa con người với con người trong quá trình phát triển sản xuất, sắp xếp hệ thống quyền lực, xác định vị thế, vai trò của từng chủ thể xã hội, của mỗi con người trong quá trình tổ chức, điều hành hệ thống xã hội. Ở đây còn liên quan đến đến chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, nhân bản của con người.
Mặt được và mặt còn hạn chế
Trong những năm qua, công tác quản lý xã hội ở nước ta đã có những tiến bộ và đạt được những thành công, giúp cho xã hội ổn định và việc thực thi pháp luật được kết quả hơn. Tuy nhiên, công tác quản lý xã hội cũng còn không ít những hạn chế, bất cập rất cần được khắc phục.
Sau 37 năm thực hiện đổi mới, đất nước ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Sự tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên sức mạnh nội lực cho đất nước, đói nghèo lạc hậu đang dần được đẩy lùi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Những thành tựu đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự thành công trong công tác quản lý xã hội và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội.
Song song với đổi mới kinh tế, nước ta từng bước đổi mới về chính trị, xã hội, văn hóa với mục tiêu phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong quá trình vận hành sự phát triển chung của đất nước, sự ổn định của xã hội là minh chứng cho những thành quả chúng ta đạt được về mặt này.
Tuy vậy, bên cạnh những thành công bước đầu trong công tác quản lý xã hội, hiện vẫn còn những bất cập; cụ thể như: Điều kiện phát triển xã hội còn hạn chế; quá trình quản lý các kết quả phát triển xã hội thiếu tính bền vững; chính sách liên quan đến quản lý và phát triển xã hội cũng chưa được hoàn thiện, nghĩa là chưa thể hiện được sự đổi mới trong tư duy; nhận thức và hành động về quản lý phát triển xã hội so với những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, còn chậm. Có trường hợp chủ trương chính sách thì đúng, nhưng tính hiệu lực/hiệu quả lại chưa cao so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, nguồn lực, công nghệ dành cho quản lý phát triển xã hội bền vững còn chưa tương xứng; quy luật của thị trường được vận dụng vào quản lý phát triển xã hội còn bị nhận thức sai lệch, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Mối quan hệ giữa phát triển xã hội với phát triển kinh tế chưa được xử lý thỏa đáng; Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm…
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là nhận thức về quản lý phát triển xã hội chưa đầy đủ. Do đó, cần tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập
Điều quan trọng bậc nhất và cũng là nền tảng cho ổn định xã hội chính là lòng dân, niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với Đảng và Nhà nước, với chế độ. Muốn vậy, mọi đường lối, chủ trương, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn đời sống của người dân, vì mục đích phục vụ nhân dân, bảo đảm lợi ích và quyền của nhân dân, từ những quyền cơ bản của con người, của công dân đến dân chủ và quyền làm chủ chính đáng, thực chất của người dân đã được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật của Nhà nước.
Chăm lo phát triển các ngành nghề, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động, giải quyết thất nghiệp, không lãng phí nhân lực, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống… Đó chính là định hướng kinh tế để ổn định xã hội.
Mặt khác, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bộ máy nhà nước cần tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, cùng với hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế có hiệu lực trong quản lý, thực hiện, tạo được động lực phát triển; đội ngũ công chức, viên chức nhà nước có chuyên môn và nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đó chính là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Như vậy có thể nói, sự đổi mới chính sách, cơ chế, tăng cường kỷ cương kỷ luật, đảm bảo sự hài lòng của người dân đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là những bảo đảm không thể thiếu để xã hội ổn định tích cực, đổi mới không chệch hướng, quản lý xã hội có hiệu quả, phát triển hài hòa, lành mạnh, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân và tạo động lực cho xã hội phát triển bền vững./.
ThS Lê Quang (Vĩnh Long)
...