(KTSG) – Nhận được mấy trái sầu riêng bạn gửi từ Đắk Lắk kèm lời nhắn: “Sầu rụng nên khui sớm, bỏ tủ lạnh ăn dần nhé”, biết rằng mùa sầu riêng ở Tây Nguyên đang vào chính vụ.
- Vượt thanh long, sầu riêng trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam
- Sầu riêng, vải chín đầu mùa được giá, sẵn sàng xuất khẩu
Tôi có nhiều năm ở Buôn Ma Thuột, sau đó chuyển về Long Khánh (Đồng Nai), đã quen thuộc cách người ở mấy vùng này gọi tắt sầu riêng là “sầu”, cho gọn. Ví như “Mùa này sầu nhiều bông không?”, hay “Sầu được giá không?”. Tôi cũng biết trái sầu riêng chín rụng nhặt ở vườn thì dễ “khui” hơn và múi nở dày hơn. Nên không lạ khi trong những trái sầu bạn gửi có một trái rất nhỏ, nhưng “khui” ra được đến bảy múi ngon – thơm nức, đượm đà!
Cũng lạ. Thường cây trái trong vườn khi chín, người ta hay “cắt”, hoặc “xẻ”; riêng sầu thì phải “khui”, nghe có chút… sang chảnh! Mà đúng vậy, chẳng có từ nào hợp hơn từ “khui” khi phải vừa dí dao vừa ghì để tách vỏ sầu lấy múi ra, nó không giống với xẻ trái mít hay cắt trái xoài. Đó là một trong nhiều đặc điểm riêng biệt của trái sầu, mà hồi chưa biết, nghe cứ thấy là lạ.
Bạn kể mùa sầu riêng năm nay ở Đắk Lắk nhộn nhịp lắm. Giá lên từng tuần, nhiều nhà vườn trúng giá. Vườn nhà bạn rộng ba héc ta, hồi tháng 5 Âm lịch người ta vào mua “mão” (là mua trọn gói trong vườn khi trái còn rất nhỏ, đang xanh) giá 40.000 đồng/ký. Câu chuyện mua “mão” trái cây vườn phải nói là “hên xui”. Có khi bị đội giá, nhà vườn đã cầm tiền cọc trong tay thấy vui, còn thương lái thì cắn răng chịu lỗ. Hoặc khi giá lên vùn vụt thì thương lái vui, còn nhà vườn lại tiếc hùi hụi.
Năm nay, ban đầu giá mỗi ký sầu là 40.000-50.000 đồng. Đến đầu tháng 7 Âm lịch, có vườn, khi thương lái vào khảo sát thấy trái tốt, họ trả giá gần gấp đôi. Thế nhưng cũng lại xảy ra bao tình huống oái oăm, như có chủ vườn đơn phương hủy hợp đồng, hoặc kỳ kèo tăng giá mãi rồi mới… xuất được sầu ra khỏi cổng.
Cũng lại có những chuyện tranh mua tranh bán tạo ra cảnh nhộn nhịp, điều mà các nhà vườn chưa bao giờ hình dung dạo tháng giêng, tháng 2 Âm lịch – khi cây sầu riêng vừa trổ bông.
Chuyện là dạo đó xuất hiện mưa trái mùa làm bông sầu riêng rụng bớt, người ta lo vườn sầu khan hiếm trái. Thêm nữa, nhiều thương lái đã ký hợp đồng hồi đầu vụ đặt mua “mão”, nhưng do sức tiêu thụ mạnh hơn (nhất là xuất khẩu) thành ra… cháy sầu, giá tăng! Chưa kể các “cò vườn” thổi giá gây ra “đợt sóng” giá cả quanh các xóm ngõ, nhà vườn.
Những lý do ấy, tựu trung lại khiến các nhà vườn trồng sầu riêng được lợi, cái lợi cho một mùa vụ thu hoạch hào hứng, xứng đáng công sức người trồng bao ngày chăm bón, tưới tắm, đổ công sức, mồ hôi vào từng gốc sầu. Nhưng cũng không khỏi lo lắng khi lần giở “lịch sử đội giá” của nhiều loại cây trái. Chuyện tăng giá bán một loại trái nào đó, ở một mùa vụ nào đó, kéo theo sự đổ xô chặt bỏ thứ cây này để trồng loại cây kia, rồi dội chợ, rồi ngậm ngùi vì không ai mua, rồi kêu gọi “giải cứu”…đã không còn là chuyện hiếm!
Bỗng liên tưởng tới sự kiện lễ hội sầu riêng lần thứ nhất của tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 9 năm ngoái đã tạo ra “làn sóng” trồng sầu riêng trên địa bàn nhiều huyện, dù vào thời điểm đó, tỉnh này đã có khoảng 20.000 héc ta sầu riêng đang canh tác. Còn tại Gia Lai, diện tích trồng sầu riêng hiện nay là hơn 4.000 héc ta, và dự báo sẽ đạt 5.000 héc ta vào năm 2025. Những số liệu này cộng với giá bán cao bất thường năm nay có thể khiến sầu riêng càng thu hút người trồng ở Tây Nguyên. Nghĩ đến câu chuyện “phát triển bền vững” mà ngành nông nghiệp hướng đến, trong niềm vui vẫn có cảm giác lắng lo…
Rốt cuộc, chỉ mong nụ cười trên khuôn mặt những người nông dân cũng “bền vững” qua mỗi vụ mùa, bất kể với loại cây trồng nào!