Anh Tài rời khỏi căn phòng trọ thuê tại quận 7, TP HCM, lúc 1h ngày 22/8, bắt xe đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 lấy số khám bảo hiểm y tế cho con. Khoảng 6h, bé Nguyễn Kim Khánh Linh, con gái anh, được mẹ đưa đến sau.
Tháng 11/2021, khi được hai ngày tuổi, bé bị vàng da, bác sĩ cho rằng không có bất thường. Được 4 tháng tuổi, em bị chướng bụng, không tăng cân, nhập viện tại Lâm Đồng, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ chẩn đoán bé bị teo mật bẩm sinh (dị dạng hiếm gặp của đường mật và gan), đặc trưng bởi tình trạng xơ hóa tiến triển của đường mật, gây tắc mật, xơ và suy gan, phải phẫu thuật kasai (tạo một đường lưu thông mật thay thế ống mật bị chặn bên ngoài gan).
Một tháng sau, Khánh Linh được phẫu thuật kasai. Sau đó, em phải nằm viện hai tuần mỗi lần vì nhiễm trùng đường mật, viêm phổi.
Bác sĩ Trương Thị Yến Nhi, khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Nhi Đồng 2, người trực tiếp điều trị, cho biết bé Linh khi đó bị nhiễm trùng nặng, vàng da sậm, rối loạn đông máu.
"Em sốt cao liên tục, đừ, mệt mỏi, ăn uống kém phải đặt sonde dạ dày bơm sữa, cháo nâng đỡ tổng trạng", bác sĩ Nhi nói, thêm rằng các bác sĩ phải chỉ định ghép gan ngay khi tình trạng nhiễm trùng ổn định vì bé đã xơ gan giai đoạn cuối.
Cuối tháng 6, ca phẫu thuật ghép lá gan từ người mẹ cho Khánh Linh thành công. Sau ghép, cả em và mẹ đều hồi phục tốt. Song, số tiền gia đình nợ ngày càng nhiều, lên đến hơn 300 triệu đồng. Hiện anh Tài là lao động chính, thu nhập 200.000 đồng mỗi ngày.
Bé Linh phải theo dõi 6 tháng sau ghép nên gia đình anh đành thuê trọ ở TP HCM với giá 6 triệu đồng một tháng, hàng tuần đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 tái khám. Tiền trọ, ăn uống, di chuyển, các chi phí sau ghép cộng tiền tã, sữa khiến các khoản nợ ngày càng dày thêm, đẩy cặp vợ chồng vào tình thế bế tắc.
"Vợ chồng tôi động viên nhau ráng vượt qua giai đoạn khó khăn này vì con được ghép gan đã là may mắn rồi", anh Tài trải lòng.
Theo bác sĩ Nhi, chi phí là một trong những rào cản khiến số ca ghép gan chưa nhiều. 18 năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chỉ thực hiện được 27 ca, trong khi hiện khoảng 200 bệnh nhi có chỉ định ghép gan. Đa số bệnh nhi đều xơ gan giai đoạn cuối, liên tục nhập viện hoặc tại khám, khiến gánh nặng tài chính nặng nề. Thông thường, chi phí nằm viện trong 40 ngày tốn khoảng 300 triệu đồng. Sau ghép, bé phải tái khám thường xuyên, đòi hỏi chế độ ăn uống, vệ sinh sạch sẽ, ước tính 5-10 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt trong hai năm đầu, chi phí mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
"Nếu chăm sóc tốt, đa số trẻ sau ghép gan có thể sống khỏe mạnh, đi học, sinh hoạt, thể thao, kết hôn bình thường nhưng cần phải uống thuốc chống thải ghép liên tục", bà Nhi chia sẻ.
Bác sĩ hy vọng có thêm nguồn tài trợ giúp đỡ các bệnh nhi cần ghép gan. Hiện, bảo hiểm y tế chi trả trong danh mục, nhưng vì đây là điều trị kỹ thuật cao nên người nhà vẫn phải chi một khoản tiền lớn. "Khi có hỗ trợ, chúng ta không chỉ giúp một cuộc đời em bé ghép gan mà còn giúp cả gia đình em có cuộc sống mới hạnh phúc trọn vẹn cùng con cháu họ", bác sĩ Nhi nói thêm.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây
Mỹ Ý