Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Vi khuẩn phế cầu gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ

Thứ bảy, 09/09/2023 | 10:58
[G-News24/7] -

Bác sĩ Võ Thị Minh Tuyền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết từng tiếp nhận bé trai 5 tuổi mắc viêm phổi hoại tử do phế cầu. Khi nhập viện, bé sốt cao, ho đờm, thở rút lõm ngực, tiêu lỏng. Trải qua quá trình điều trị tích cực hơn một tháng với nhiều lần đổi thuốc kháng sinh, can thiệp phẫu thuật bơm rửa, dẫn lưu mủ màng phổi, bé mới hồi phục và được xuất viện.

Đây là ca bệnh điển hình mắc bệnh viêm phổi hoại tử do vi khuẩn phế cầu. Trước đó bé trai khỏe mạnh, sinh đủ tháng nhưng chưa tiêm ngừa vaccine phòng phế cầu khuẩn.

Bé Hà Anh (5 tháng, TP HCM) cũng mắc viêm phổi do phế cầu sau khi mắc cúm 5 ngày. Viêm phổi khiến bé sốt cao, ho đờm, thở mệt, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong 2 tuần, hiện sức khỏe đã ổn định.

Nhiều bệnh viện cũng ghi nhận tình trạng trẻ nhập viện do phế cầu gây bệnh nặng. Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM tiếp nhận trung bình 30 ca bệnh một ngày, trong đó 80% trẻ viêm phổi nặng do phế cầu. 4 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận hơn 30 bệnh nhi mắc viêm phổi do phế cầu.

tre-hat-hoi-1-9672-1694139110.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9lLxHFxTRcZG39OtKmZJmw

Nhiễm phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ. Nguồn: Mayo Clinic

Bác sĩ Tuyền cho biết phế cầu là tác nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ em. Các thể bệnh gồm viêm phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng não mủ, viêm tai giữa...

Phế cầu còn có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao, khiến việc điều trị thêm khó khăn. Trong nghiên cứu của bác sĩ thực hiện trên 124 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ phế cầu đa kháng thuốc tăng lên đáng kể từ 74.5% (năm 2008-2009) lên đến 94.5% (năm 2018-2021).

"Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ, khi mắc phế cầu dễ diễn tiến nặng. Đồng thời, vi khuẩn kháng thuốc khiến cho số thuốc có thể sử dụng để điều trị bị thu hẹp", bác sĩ Tuyền nói.

Trên thế giới, phế cầu cũng là tác phân phổ biến gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê năm 2015, toàn cầu có khoảng 8,9 triệu ca bệnh viêm phổi do phế cầu. Trong đó, 257.000 trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn dễ lây lan thông qua đường hô hấp và các hành động như hắt hơi, ho, nôn hoặc cầm nắm các đồ vật chứa vi khuẩn đưa lên mũi miệng...

Do đó, trẻ nên được chủ động phòng bệnh bằng vaccine. Trẻ nên được tiêm phòng sớm từ 6 tuần tuổi để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, chi phí và thời gian chữa bệnh.

Các nghiên cứu cho thấy tiêm ngừa vaccine phế cầu giúp giảm 33% bệnh viêm phổi do virus, ngăn ngừa đồng nhiễm, bội nhiễm và làm giảm mức độ nghiêm trọng nếu mắc bệnh. Ngoài ra, chủ động tiêm ngừa phế cầu còn giúp giảm tỷ lệ người lành mang trùng và giảm khả năng lây từ người lành sang người có sức đề kháng kém.

VNVC-Tiem-23-1-5827-1694139110.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5gpLpIxfVW5SVNrnI-40tw

Trẻ tiêm ngừa phế cầu tại VNVC. Ảnh: Thiên Thiên

Hiện Việt Nam có 2 loại vaccine ngừa các bệnh do phế cầu gây ra, gồm Synflorix (phế cầu 10 - Bỉ) ngừa 10 chủng phế cầu và Prevenar 13 (phế cầu 13 - Bỉ) ngừa 13 chủng phế cầu. Vaccine Synflorix có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Vaccine Prevenar 13 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến người lớn, người già, người có bệnh nền.

Ngoài tiêm chủng, bác sĩ Tuyền khuyến cáo gia đình giúp trẻ phòng bệnh bằng cách tránh các yếu tố tiếp xúc với mầm bệnh như: rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng, che mũi, miệng khi ho và hắt hơi; tránh khu vực có người hút thuốc lá; giảm tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp; đeo khẩu trang ở nơi đông người. Khi trẻ mắc bệnh, gia đình không tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh để giảm tình trạng kháng thuốc.

Nhật Linh

Vào 20h ngày 8/9, Báo VnExpress kết hợp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Lao, Rotavirus, Phế cầu và các bệnh nguy hiểm ở trẻ sau khi chào đời", nhằm cung cấp các kiến thức y khoa cập nhật về các bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa và truyền nhiễm: ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương, Bác sĩ Trung tâm Sơ sinh và ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc, Bác sĩ khoa Nhi, cùng thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Buổi tư vấn được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress, VNVC và các kênh thông tấn báo chí khác. Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia tại đây.

g-news247