Thứ tư, 27 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Vì sao bạn ăn nhiều chất xơ vẫn táo bón?

Thứ hai, 11/09/2023 | 12:40
[G-News24/7] -

Chế độ ăn ít chất xơ là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón. Biện pháp đầu tiên cải thiện tình trạng này là tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày nhằm thúc đẩy nhu động ruột. Nhiều người táo bón, dù ăn nhiều chất xơ vẫn không bớt có thể do một số yếu tố sau:

Uống ít nước: Chất xơ không thể thực hiện chức năng hỗ trợ tiêu hóa nếu không có nước. Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ, nước lọc, nước từ súp và nước ép trái cây giúp chất xơ hoạt động trong đường tiêu hóa hiệu quả hơn, làm phân mềm, dễ đại tiện. Nước hỗ trợ đào thải độc tố, tăng nhu động ruột.

Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn: Nếu bổ sung nhiều chất xơ nhưng vẫn táo bón, bạn có thể thử bỏ một số thực phẩm như xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên, đồ ăn đông lạnh, thức ăn nhanh... Vì chúng không tốt cho tiêu hóa, làm táo bón nặng hơn.

Dùng quá nhiều dầu ô liu: Chất béo có trong dầu ô liu giúp thành ruột trơn, đại tiện dễ hơn. Tuy nhiên, theo Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ, không nên dùng dầu ô liu quá nhiều và thường xuyên khi táo bón vì có thể làm mất trương lực cơ trong ruột, dẫn đến táo bón lâu dài.

Ít vận động: Hoạt động thể chất làm tăng hoạt động các cơ trong ruột. Bổ sung nhiều chất xơ nhưng lười vận động, tình trạng này vẫn khó cải thiện. Các bài tập tốt cho tiêu hóa như yoga, đi bộ, chạy bộ.

Nhịn đi vệ sinh: Nên đi vệ sinh khi có nhu cầu vì trì hoãn có thể làm táo bón trầm trọng hơn, do dây thần kinh mất dần phản xạ. Nên tập thói quen đi vệ sinh nhanh, cùng một khoảng thời gian trong ngày.

nong-gan-2457-1694312933.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2QiHvlU-72Lca7pYTi8w_A

Chất xơ từ rau củ quả giúp cải thiện táo bón. Ảnh: Freepik

Đến bác sĩ khám: Một số loại thuốc điều trị bệnh, chất bổ sung ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và táo bón. Nếu bổ sung chất xơ không cải thiện tình trạng, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ tư vấn.

Người bệnh nên bổ sung chất xơ kết hợp massage bụng thường xuyên để kích thích nhu động ruột. Nên bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột từ sữa chua, dưa muối, kim chi... Tăng cường thực phẩm giàu prebiotic (chất xơ hòa tan) để bổ sung lợi khuẩn, cải thiện táo bón. Thực phẩm giàu prebiotic gồm chuối, măng tây, yến mạch, tỏi tây, hành tây, các loại hạt.

Táo bón nếu không điều trị dễ dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, độc tố tích tụ trong cơ thể gây viêm nhiễm trực tràng, bệnh trĩ, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Anh Chi (Theo Livestrong)

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247