Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Vì sao Bình Thuận chưa nộp báo cáo tác động môi trường dự án hồ Ka Pét?

Thứ bảy, 09/09/2023 | 03:30
[G-News24/7] -

Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư) nêu tại họp báo của UBND Bình Thuận về dự án hồ Ka Pét, chiều 7/9.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét được đưa vào quy hoạch tỉnh Bình Thuận từ năm 1995. Đến năm 2019, công trình được phê duyệt lần đầu và điều chỉnh năm 2023, sức chứa hơn 51 triệu m3, thuộc xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Dự án có tổng diện tích gần 698 ha, trong đó hơn 619 ha là đất rừng tự nhiên, gồm: hơn 137 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ, gần 440 ha rừng sản xuất, và khoảng 41 ha đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng trên.

nguyenvandong-jpg-3962-1694092-6770-4416-1694095481.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-4R1GFM1HUa5PrzUCv41Uw

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư), tại buổi họp báo chiều 7/9. Ảnh: Phước Tuấn

Theo ông Đông, tháng 9/2020, dự án đã hoàn thành đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM) và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, tháng 6/2023 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư so với trước nên phải cập nhật lại ĐTM.

Theo quy định mới nhất, công trình này phải bổ sung hồ sơ đánh giá nguy cơ vỡ đập ảnh hưởng đến công trình hạ du. Cùng với đó, hồ Ka Pét nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông mà theo quy định, dự án có trên một ha thuộc khu bảo tồn phải nộp báo tác động đa dạng sinh học. Ban quản lý đã làm việc với đơn vị tư vấn lập ĐTM yêu cầu bổ sung hai hồ sơ.

Ông Đông khẳng định năm 2018, tỉnh mời thầu công khai ĐTM dự án trên cả nước. Khi đó, 4 đơn vị mua hồ sơ nhưng chỉ ba công ty tham gia đấu thầu. Theo đánh giá của chủ đầu tư (khi đó là Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận), đơn vị tư vấn trúng thầu đảm bảo các điều kiện về năng lực.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6, chủ đầu tư đã làm việc với công ty tư vấn yêu cầu quan sát lại mẫu trong khu vực dự án, vì khảo sát cũ đã thực hiện từ năm 2017.

"Ban sẽ làm việc với đơn vị tư vấn và đánh giá năng lực xem có đảm nhiệm được việc đánh giá sự cố vỡ đập và đa dạng sinh học không. Nếu không phải tìm đơn vị khác", ông nói và cho biết đến nay chưa nhận thông tin từ đơn vị tư vấn tạm dừng hợp đồng dự án ĐTM như một số báo chí nêu.

Ho-Ka-pet-2-4582-1692075563-4617-1694092960.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iTPXuOl7W8KqBG_mpu8U2Q

Thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: Ban quản lý dự án Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận

Lý giải về việc làm hồ chứa nước trong rừng tự nhiên, ông Nguyễn Công Thành, Viện đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung (đơn vị chuyên môn tư vấn cho tỉnh) khẳng định "không còn lựa chọn nào khác".

Các công trình thủy lợi trong khu vực Hàm Thuận Nam hầu hết là công trình nhỏ, không đảm bảo khả năng điều tiết nên không đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hiện, lượng nước chỉ đáp ứng 13,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (hơn 6.000 ha).

Ông Thành khẳng định đơn vị tư vấn đã nghiên cứu rất kỹ toàn bộ vùng này và chỉ có hai nơi đủ điều kiện xây hồ.

Đầu tiên là vị trí cách đập dâng Hàm Cần khoảng 4 km về phía thượng lưu, sát cầu Bà Bích - điểm hợp lưu của hai nhánh suối Bom Bi và sông Ka Pét. Đây là nơi có khả năng tạo hồ chứa ở thượng lưu, thuận lợi cho xây đập ngăn sông dài 550 m, cao 32 m, lưu vực sinh thủy lên đến 136 km2, nguồn nước dồi dào.

Tuy nhiên, vị trí này sẽ gây ngập 127 ha canh tác của dân xã Mỹ Thạnh, cầu Bà Bích và 3,5 km quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh. Do đó dự án cần làm đường tránh dài 7,5 km ven lòng hồ phía đông. Ngoài ra, 620 ha đất rừng cũng bị ngập (trong đó có 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Phương án này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.

Vì vậy tỉnh đã chọn phương án hai - cách vị trí phương án đầu 5 km về phía thượng lưu. Đây là điểm hợp lưu giữa hai nhánh sông với lưu vực 95,5 km2. Tính toán chiều dài đập giảm còn 179 m, cao 28,5 m. Ưu điểm phương án này là không gây ngập 127 ha đất canh tác của dân, cầu Bà Bích cũng như quốc lộ 1. Cách làm này chi phí thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và làm đường tránh. Tuy nhiên, nhược điểm là gây ngập 619 ha đất rừng.

"Vị trí xây hồ Ka Pét phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lớn nhưng là việc làm bất khả kháng", ông nói.

3-jpg-4177-1694092960-16940945-8853-3183-1694095027.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KlClFyPdtUOd5HAXQl3uYA

Quần thể bằng lăng trong khu rừng dự tính làm hồ chứa nước Ka Pét, tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tháng 8/2023. Ảnh: Việt Quốc

Báo chí đặt câu hỏi tại sao không kết nối hoặc cải tạo hồ xung quanh Hàm Thuận Nam để nâng cao dung tích chứa, thay vì xây dựng thêm hồ Ka Pét. Ông Thành lý giải việc cải tạo hồ liên quan đến an toàn công trình vì phải nâng cấp đập tràn, xả lũ. Việc tạo liên thông giữa các hồ phụ thuộc vào điều kiện địa hình. Ví dụ, không thể kết nối hồ từ hạ du lên thượng lưu, mà chỉ có thể làm ngược lại.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết thời gian qua, dự án hồ Ka Pét nhận được nhiều phản hồi trái chiều của dư luận. Do đó, tỉnh tổ chức họp báo để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ báo chí và người dân.

"Nếu có điều bất hợp lý, ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, tỉnh sẵn sàng điều chỉnh, xác định việc đúng thì quyết tâm làm, sai sẽ chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ", ông nói.

Thu Hằng - Phước Tuấn

g-news247