Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Luxembourg đã có những bước phát triển tích cực. Động lực từ việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) góp phần thúc đẩy thương mại song phương gia tăng khả quan hơn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế EU nói riêng và kinh tế thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn, thương mại hàng hóa toàn cầu biến động theo xu hướng giảm.
Kim ngạch thương mại song phương duy trì tăng trưởng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương tăng 3,1% so với năm 2021, đạt 187,11 triệu USD.
Bước sang năm 2023, Luxembourg là một trong số ít thị trường trong Liên minh EU duy trì được mức tăng trưởng thương mại với Việt Nam. Trong quý II/2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 45,9 triệu USD, tăng 8,2% so với quý I/2023 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 30,65 triệu USD sang Luxembourg, giảm 5,6% so với cùng kỳ; ngược lại nhập khẩu tăng 26,7% lên 15,28 triệu USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Luxembourg tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 88,38 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Luxembourg đạt 62,33 triệu USD, tăng 9,5%; trong khi nhập khẩu đạt hơn 26 triệu USD, giảm 13,2%. Việt Nam đã xuất siêu 36,28 triệu USD sang Luxembourg trong nửa đầu năm nay, tăng 34,9% so với cùng kỳ.
Theo Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, đây là kết quả hết sức tích cực bởi theo thống kê của Eurostat, nhập khẩu hàng hoá của Luxembourg trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,35 tỷ EUR. Trong đó, các đối tác thương mại hàng đầu của nước này chủ yếu là các thành viên trong Liên minh châu Âu như Bỉ, Đức, Pháp, Hà Lan, Italia…
Hàng dệt may và da giày chiếm đa số kim ngạch xuất khẩu sang Luxembourg
Số liệu cũng cho thấy, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 19 và đứng đầu khối ASEAN về xuất khẩu hàng hoá vào Luxembourg trong 4 tháng đầu năm 2023, với kim ngạch 46,6 triệu EUR, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 0,6% tổng nhập khẩu hàng hoá của Luxembourg (tăng so với thị phần 0,4% của cùng kỳ).
Đáng chú ý, Việt Nam là nhà cung cấp dệt may và giày dép lớn nhất cho Luxembourg, với thị phần chiếm 50,8% và 93,4% dung lượng nhập khẩu ngoại khối các mặt hàng này của Luxembourg.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng dệt may, giày dép và vải mành, vải kỹ thuật khác là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Luxembourg với tổng kim ngạch đạt 60,9 triệu USD, chiếm 97,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Trong đó, giày dép các loại là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 39,73 triệu USD, tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ và chiếm 62,8% tỷ trọng. Đứng thứ hai là mặt hàng vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 17,2 triệu USD, giảm 5,1%; tiếp theo là hàng dệt may với gần 4 triệu USD, giảm 26,3%.
Triển vọng thị trường Luxembourg thời gian tới
Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Luxembourg trong năm 2023 lên mức 1,8% so với mức 1,6% trong dự báo trước đó. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ tăng trở lại, được hỗ trợ bởi việc sử dụng các khoản tiết kiệm dư thừa và các biện pháp hỗ trợ bổ sung của Chính phủ. Nhu cầu trong nước cũng sẽ được củng cố bởi sự tăng trưởng trong tiêu dùng của Chính phủ, được thúc đẩy bởi mức lương thưởng cao hơn cho người lao động và tiêu dùng trung gian.
Lạm phát của Luxembourg đạt mức cao kỷ lục 8,2% vào năm 2022 nhưng đã giảm dần và tính đến tháng 6/2023 lạm phát chỉ còn 1%, mức thấp nhất trong khối EU và thấp hơn cả mục tiêu 2% của ECB.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Luxembourg đã tăng lên mức -12 trong tháng 6/2023 từ mức -16 của tháng 5/2023. Doanh số bán lẻ tại Luxembourg tháng 6/2023 cũng tăng 2,6% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong một năm qua.
Năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến là 2,4%, nền kinh tế Luxembourg được dự đoán sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi đầu tư và đóng góp tích cực hơn nữa từ xuất khẩu ròng.
Xuất khẩu dệt may sắp bước qua thời kỳ ảm đạm Việt HằngPhát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Luxembourg và Hiệp hội Doanh nghiệp Vương quốc Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, về thương mại, hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Luxembourg không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có tính bổ sung cho nhau.
Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố mối quan hệ hợp tác và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: may mặc, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản... của Việt Nam hay hóa chất, cao su, nhựa, sản xuất thép và dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Luxembourg.