"Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố cái gọi là 'bản đồ tiêu chuẩn năm 2023', trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn, là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong thông cáo ngày 31/8.
"Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS", bà Hằng nói thêm.
Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Đường đứt đoạn mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra đòi yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phản ứng của dư luận thế giới. Trung Quốc cũng bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.
Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng bản đồ này của Trung Quốc "không có căn cứ theo luật pháp quốc tế". Manila cũng kêu gọi Bắc Kinh "hành động có trách nhiệm và tuân thủ nghĩa vụ theo luật quốc tế và phán quyết của tòa trọng tài năm 2016. Theo phán quyết này của Tòa Trọng tài Thường trực, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng đường đứt đoạn không có cơ sở pháp lý.
Bộ Ngoại giao Malaysia cũng ra tuyên bố khẳng định bản đồ mới của Trung Quốc không có giá trị mang tính ràng buộc với Malaysia, vốn "coi Biển Đông là vấn đề phức tạp và nhạy cảm". Cơ quan này cho hay đã phản đối qua đường ngoại giao về bản đồ của Trung Quốc.
Bản đồ này có thêm một đoạn ở phía đông đảo Đài Loan, khác biệt so với "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trước đây. Trung Quốc từng công bố một bản đồ có "đường 10 đoạn" năm 2013.
Bản đồ mà Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc phát hành còn bao gồm phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya, nơi binh sĩ hai bên từng ẩu đã khiến 24 người thiệt mạng năm 2020.
Ấn Độ đã gửi kháng thư "phản đối mạnh mẽ" tới Trung Quốc qua các kênh ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết. Theo New Delhi, hai khu vực được thể hiện trong bản đồ là vùng Arunachal Pradesh và Aksai Chin là lãnh thổ của Ấn Độ.
Huyền Lê