Từ những trang sử Việt
Bắt đầu từ fanpage Sử Văn Các (hiện gần 50.000 lượt theo dõi) cùng dòng giới thiệu “Lịch sử là viên ngọc quý ẩn trong lớp bụi thời gian. Tôi nguyện làm một kẻ mải đi tìm ngọc”, Thành Châu - một cái tên xa lạ trong giới văn chương trở thành cây bút truyện dã sử được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Chuyên ngành tốt nghiệp vốn chẳng liên quan đến văn thơ, nhưng tình yêu sử Việt đưa cây bút 9X sáng tác truyện dã sử và gây quỹ cộng đồng thành công qua các tựa sách đã xuất bản như: Hỏa Dực, Thánh Dực dũng nghĩa truyện, Tây Sơn Phụng thần ký…
Thành Châu chia sẻ: “Con người chính là linh hồn của đất nước, muốn yêu nước phải yêu hết thảy những con người xung quanh ta và cao hơn là yêu những vĩ nhân, anh hùng dân tộc. Để khi đi tới một địa danh hay một con đường gắn với tên vĩ nhân thì ta lại bồi hồi nhớ đến một thời vàng son đã qua, những trận đánh lưu danh sử sách, lớp lớp thế hệ khai hoang mở cõi... Chỉ có như vậy ta mới trân trọng toàn bộ không gian sống của mình”.
Cũng bắt đầu từ tình yêu những trang sử, văn hóa truyền thống, rất nhiều nhóm bạn trẻ tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung dành nhiều tâm huyết tìm hiểu, phục chế và lan tỏa các dạng thức trang phục cổ người Việt. Những dự án, thương hiệu từ người trẻ như Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp (trang phục triều Nguyễn); Áo dài Năm Tuyền (áo ngũ thân ứng dụng); Phượng Điển (phục dựng trang sức của hậu phi triều Nguyễn), Chiêu Minh Các (phục dựng các loại kim khánh, kim bài); Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi (chuyên nghiên cứu văn hóa lễ nghi chốn cung đình xưa); Dự án nghiên cứu trang phục, văn hóa Nam Kỳ lục tỉnh… rất được đông đảo người trẻ quan tâm.
Trong đó, nổi bật có ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo rất được chú ý. 2023 là năm thứ ba ngày hội được tổ chức và mở rộng nhiều lĩnh vực như: sưu tầm cổ vật, phục dựng - phỏng dựng cổ phục của các triều đại, thư pháp chữ Nho và chữ quốc ngữ, văn hóa đình làng Việt Nam, các board game đặc sắc mang âm hưởng văn hóa lịch sử Việt…
Tôn Thất Minh Khôi, thành viên ban tổ chức Ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo, cho biết: “Tôi nghĩ, mọi thứ lớn lao đều bắt đầu từ những điều căn bản, thiết thực. Nỗ lực làm các dự án là vì chúng mình muốn người Việt thêm trân quý chiếc áo xưa, trân quý lịch sử. Bằng cách kết nối người trẻ mọi miền, chúng tôi mong muốn cùng lan tỏa hơn nữa văn hóa, lịch sử”.
Bạn Ngô Lê Duy, đại diện Việt phục Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, cũng bày tỏ: “Người trẻ bây giờ yêu cầu cao hơn về mặt hình ảnh, trình bày, câu chuyện, nên dạy về lịch sử không chỉ là con số khô cứng mà cần có những dự án thật gần gũi, được đầu tư nghiêm túc. Người trẻ không hề quay lưng với lịch sử, văn hóa mà họ chính là thế hệ tiếp nối”.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: “Các bạn trẻ thực hiện nhiều hoạt động góp phần khẳng định giá trị của lịch sử, Việt phục. Tôi gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ. Chính các bạn sẽ lan tỏa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…”.
Vươn tầm bản sắc quê hương
Trong nhịp sống 4.0, người trẻ nhanh nhạy với mạng xã hội hơn bao giờ hết, dựa vào ưu điểm này, một nhóm trẻ đã lập nên fanpage Gấc Đỏ vào đầu năm 2021 và hiện tại có hơn 15.000 lượt theo dõi.
Gấc Đỏ chuyên đăng tải những bài viết chia sẻ văn hóa truyền thống, đặc trưng vùng miền Việt Nam và được các bạn trẻ thể hiện song ngữ Việt - Anh. Ở mùa 2, Gấc Đỏ bước từ mạng xã hội đến thực tế với talkshow Văn hóa và câu chuyện truyền thông xoay quanh chủ đề sử dụng sắc màu văn hóa trong các tác phẩm truyền thông.
Đến mùa 3, Gấc Đỏ thực hiện dự án không gian bảo tàng 3D để khai thác hình ảnh văn hóa, con người trên từng ngõ ngách của thành phố. Chuyện phố chuyện phường là thành quả đầu tiên của dự án, là nơi triển lãm trưng bày trực tiếp và trực tuyến các bức tranh, ảnh, các video về những câu chuyện ta vẫn luôn bắt gặp bên đường phố…
Ê kíp thực hiện board game Đại Việt Kỳ Nhân
Nguyễn Ngọc Mỹ Trân (học sinh lớp 12, Trường BVIS TPHCM, người sáng lập Gấc Đỏ) chia sẻ: “Trong mùa 4 này, Gấc Đỏ tiếp tục với chủ đề “bền vững” tập trung nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng, chung tay gắn kết các thế hệ và các thời đại hòa chung làm một, để rồi từ đó tạo nên được sức mạnh đoàn kết to lớn, góp phần bảo tồn, phát triển và chấn hưng những giá trị văn hóa đã lưu truyền từ ngàn xưa. Mỗi bài viết, chúng em chọn cách thể hiện song ngữ Anh - Việt, để có thể kết nối và tiếp cận với cộng đồng bạn bè quốc tế nhiều hơn”.
Trong tháng 6-2023 vừa qua, Mỹ Trân được chọn là học sinh đại diện Trường BVIS TPHCM giao lưu và gặp gỡ bạn bè đến từ hơn 60 quốc qua khác nhau tại trụ sở của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại New York, Hoa Kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng, tà áo dài truyền thống đồng hành cùng bạn trẻ như một niềm tự hào quê hương.
Mỹ Trân chia sẻ: “Khi giao tiếp với các bạn, em luôn giới thiệu thật rõ và tự hào rằng, tôi đến từ đất nước xinh đẹp Việt Nam. Trong một môi trường đa văn hóa như hiện nay, việc làm nổi bật văn hóa của đất nước mình chính là sứ mệnh của người trẻ khi có dịp bước ra môi trường quốc tế. Một trong những người bạn của em đến từ Hồng Công, sau chuyến đi, đã về học tiếng Việt trên Duolingo. Em và bạn em đã mang nón lá và khăn rằn để tặng các bạn tại hội nghị. Nhìn thấy các bạn nước ngoài đội nón lá và khăn rằn khiến em thật sự rất vui vì cảm thấy sứ mệnh lan tỏa văn hóa của mình thật sự ý nghĩa. Đặc biệt, hình ảnh khiến em xúc động nhất chính là bức ảnh mà em và các bạn đại diện của Việt Nam cùng nhau cầm lá cờ Tổ quốc để chụp hình tại UNICEF”.
Thành công trong mỗi người mang một định nghĩa khác nhau, và thành công cho những dự án về văn hóa, lịch sử dân tộc cũng không dễ cân đo định lượng. Nhưng khi người trẻ dành những nhiệt huyết thanh xuân cho giá trị bản sắc cội nguồn, hẳn đã là một thành công trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc.
Với tình yêu sử Việt là ưu tiên hàng đầu, bỏ đằng sau lợi nhuận kinh doanh, bộ board game Đại Việt Kỳ Nhân do Tô Quốc Nghị dày công đầu tư hiện vẫn phải “gồng lỗ”. Quốc Nghị chia sẻ: “Việc bán board game chỉ thu về một khoản nhỏ so với kinh phí bỏ ra, nhưng không sao, tôi và ê kíp vẫn có thể làm nhiều việc khác để nuôi dự án này trên đường dài. Lịch sử không xa cũng không gần và muốn lan tỏa phải đưa nó song hành trong đời sống hàng ngày với người trẻ. Chúng ta có hẳn bề dày mấy ngàn năm để khai thác thể hiện trong nhiều hình thức vừa hấp dẫn lại vừa gần gũi. Và khi đã quen thuộc, quan tâm thì tình yêu với lịch sử cũng ở ngay đó thôi”.
KIM LOAN - TIỂU TÂN