(KTSG Online) – Vi phạm kiểm dịch thực vật tại vùng trồng và cơ sở đóng gói chính là lý do khiến cơ quan chức năng của thị trường nhập khẩu đưa ra cảnh báo, cụ thể là với thị trường Trung Quốc. Điều này, dẫn đến việc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải có quyết định tạm dừng xuất khẩu đối với không ít đơn vị.
- Hạn chế trong giám sát mã số vùng trồng khiến trái cây Việt Nam bị cảnh báo
Những trường hợp vi phạm và bị cảnh báo
Trao đổi với KTSG Online liên quan đến thông tin có hàng trăm container bị “tuýt còi” khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An xác nhận, đơn vị này có lô hàng chuối bị cảnh báo vì “dính” rệp sáp. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng đây là tai nạn nghề nghiệp”, ông nói.
Theo ông Huy, việc xử lý dứt điểm đối với rệp sáp trên trái chuối là vấn đề khá “mệt mỏi” đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, muốn diệt sạch rệp thì phải sử dụng các loại thuốc có độ độc rất cao. “Nhưng, bằng cái tâm với nghề, tôi chọn rủi ro dính rệp sáp vì thuốc xịt rất độc”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Huy cho biết, ngay sau khi bị cảnh báo, đơn vị này cũng đã chủ động mời các đơn vị liên quan của Cục Bảo vệ thực vật xuống kiểm tra nguyên nhân, tìm hướng khắc phục. “Đây là tinh thần cầu thị của chúng tôi và người ta (phía Cục Bảo vệ thực vật – PV) cũng rất chia sẻ”, ông cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng, việc Cục Bảo vệ thực vật tạm dừng xuất khẩu đối với các đơn vị trong thời gian gần đây có thể do nguyên nhân vi phạm kiểm dịch thực vật tại vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói, và bị phía Trung Quốc cảnh báo.
Ông Trịnh cho biết qua ghi nhận, nhiều đơn vị phản ánh họ bất ngờ trước quyết định tạm dừng xuất khẩu, bên cạnh đó cơ quan chức năng lại không nêu tên cho nên không biết được cụ thể vi phạm.
Trên thực tế, các vi phạm về kiểm dịch thực vật dẫn đến bị cảnh báo thường xảy ra ở ba trường hợp phổ biến.
Trường hợp thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng mã số (mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói – PV) của chính mình và bị vị phạm, nhưng bản thân không hay biết hoặc không nhận được thông báo từ cơ quan chức năng và tiếp tục xuất khẩu nên sau đó bị tạm dừng.
Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu “gian lận”, lấy mã số của đơn vị khác, nhưng mã số này đã vi phạm trước đó dẫn đến không được xuất khẩu.
Trường hợp thứ ba, mã số của doanh nghiệp bị vị đơn vị khác lấy để sử dụng cho việc xuất khẩu dẫn và vi phạm, do đó, khi doanh nghiệp sử dụng mã số của chính mình lại không xuất khẩu được.
Trước đó, vào ngày 5-9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đã ký văn bản về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, bà Hương cho biết, đơn vị này đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên chuối, xoài, mít, sâu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này.
Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói được xác định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc. Điều này, làm mất uy tín hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường.
Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cũng cho thấy, từ năm 2022 đến hết tháng 7-2023, đơn vị này đã giám sát 292 mã số vùng trồng và 68 mã số cơ sở đóng gói, trong đó, có 13 mã số vùng trồng và 30 mã số cơ sở đóng gói đã bị thu hồi, bao gồm tại Bắc Giang, Đắk Nông, Đồng Tháp và Sơn La.
Đồng thời, yêu cầu 42 mã số vùng trồng ở các địa phương, gồm Bắc Giang, Đồng Nai, Long An, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Nội và 13 mã số cơ sở đóng gói ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hưng Yên và Hà Nội buộc phải khắc phục.
Từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, cơ quan này cũng đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật khi phát hiện các loại sinh vật gây hại (rệp sáp, ruồi đục trái – PV), trong đó, mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long là những loại trái cây có lô hàng bị phát hiện vị phạm.
Ở góc nhìn của một nhà xuất khẩu, ông Huy của Công ty Huy Long An cho rằng việc đưa ra quyết định tạm dừng xuất khẩu của Cục Bảo vệ thực vật là sự chủ động để điều tra nguyên nhân và khắc phục nhằm bảo vệ ngành cây ăn trái của Việt Nam.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nông nghiệp
Liên quan việc tuân thủ quy định của thị trường Trung Quốc, tại diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” tổ chức hôm 11-9, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico nhấn mạnh, vấn đề căn cơ trong việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc nói riêng và quốc tế nói chung là phải tuân thủ quy định pháp luật.
Theo vị doanh nhân này, điều 64 của Luật Trồng trọt (điều 64 về quản lý và cấp mã số vùng trồng – PV) đã có hiệu thực thi hành từ ngày 1-1-2020, với các tiêu chí rất phù hợp với hội nhập quốc tế, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. “Nhưng, chúng ta thực thi quá chậm”, bà nhận định.
Trung Quốc đã thực thi mã vùng trồng cách đây hàng chục năm, trong khi Luật Trồng trọt đã có hiệu lực hơn 3 năm, nhưng đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực thi, bà Thực chia sẻ. Vì sự chậm trễ từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho nên, dẫn đến hệ quả là các địa phương, tức cơ quan ban hành văn bản dưới luật để thực thi không có căn cứ để triển khai.
Bà Thực dẫn chứng câu chuyện Bagico khi phối hợp với tỉnh Đắk Lắk áp dụng chuyển đổi số cũng như ứng dụng các công cụ vào mã số vùng trồng, thì không biết căn cứ vào cơ sở nào để làm. “Đối với thị trường Trung Quốc, thì ngay cả các đồng chí ở Sở (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk – PV), là những người làm việc trực tiếp với tôi cũng nói rằng bây giờ không biết căn cứ vào cái gì để làm”, bà chia sẻ thêm rằng Đắk Lắk đã ban hành văn bản, nhưng sau đó lại thu hồi vì không phù hợp.
Cũng chính áp lực từ thị trường, nguồn cung hàng hóa gia tăng đã dẫn đến tiêu cực xảy ra trong hai năm qua về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói với sầu riêng, như mua bán mã số vùng trồng, tiêu cực trong quá trình cấp mã số.
Từ thực trạng nêu trên, vị đại diện Bagico hy vọng thời gian tới, với sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nhìn nhận những hạn chế đến từ việc chậm thực thi điều 64 của Luật Trồng trọt, và có sự điều chỉnh để sớm được triển khai.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đây là điều ngành chức năng đang còn nợ, chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, do đó mã vùng trồng cũng mới dừng lại ở động thái khuyến khích, chứ không phải bắt buộc. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, đã đến lúc bắt buộc việc trồng trọt phải đăng ký, phải được cấp mã số. Tất cả phải đi vào quy chuẩn, kể cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, chứ không để tự phát nữa.
Điều 64 (quản lý và cấp mã số vùng trồng) của Luật Trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 quy định như sau:1. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng.3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc.4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.