Nửa đêm 2/8/1961, chiếc máy bay phản lực lớn Boeing 707 của Continental Airlines cất cánh từ Los Angeles đến Houston. Khi đèn giảm sáng, 65 hành khách dần chìm vào giấc ngủ.
Leo Bearden, 38 tuổi, và con trai Cody, 17 tuổi, đứng dậy, ra khỏi ghế hành khách và chĩa nòng súng lục vào mạng sườn nữ tiếp viên xinh đẹp. "Tiến vào buồng lái. Tôi sẽ tiếp quản máy bay", Leo thì thầm. Nữ tiếp viên làm theo lệnh, vẫn nở nụ cười tươi đáp lại những vị khách còn thức trên đường tiến vào buồng lái.
An ninh sân bay thời kỳ đó chưa thực sự nghiêm ngặt, hai tên không tặc gần như không bị chú ý khi lên máy bay với khẩu súng giấu trong người.
Leon Bearden là nhân viên bán ôtô thất nghiệp đến từ bang Arizona, có tiền án 20 năm, từng ngồi tù vì tội cướp, giả mạo và trộm cắp nghiêm trọng. Bị cảnh sát xác định như một người bất mãn chế độ, Leon nuôi dưỡng mối hận thù lớn với xứ cờ hoa và chỉ muốn đến Cuba định cư, từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Trong buồng lái khi này là cơ trưởng Byron Rickards, với 33 năm kinh nghiệm. Đây cũng không phải khẩu súng duy nhất ông bị chĩa vào đầu khi đang làm nhiệm vụ.
Năm 1931, khi còn là phi công trẻ của hãng Panagra, ông và chiếc máy bay của mình đã bị bắt và giam giữ trong vài ngày ở Arequipa, Peru. Sự việc đã đi vào lịch sử hàng không với tư cách vụ cướp máy bay đầu tiên trên thế giới.
Với lần này cơ trưởng lão luyện bắt đầu chơi trò kéo dài thời gian. Với mạng sống của 73 người trên máy bay đang đè lên vai, ông biết đây là trò chơi nguy hiểm.
Rickards nhẹ nhàng nói với các tay súng rằng chiếc 707 không có đủ nhiên liệu để đến thủ đô Havana và ông sẽ phải dừng tiếp nhiên liệu ở El Paso, bang Texas.
Leon Bearden đồng ý hạ cánh. Khi tòa tháp của thành phố El Paso dần hiện lên qua cửa kính khoang lái, cơ trưởng Rickards gửi một thông điệp ngắn gọn qua radio: "Chúng tôi muốn được tiếp nhiên liệu để bay được đưa tới Havana, Cuba".
Câu lệnh này ngay lập tức được người trong giới an ninh hàng không hiểu, đó là mật mã báo tin một vụ cướp.
Vào thời điểm chiếc máy bay bắt đầu hạ cánh trên đường băng, nước Mỹ đã hay tin về cướp. Các phóng viên đã đến nhà vợ của Leon Bearden là Mary Ruth, 36 tuổi, ở Coolidge, Arizona.
Mary Ruth cho hay, không nghĩ nhiều khi hai cha con rời đi vào tối thứ tư để bắt xe buýt đi công chuyện. Người vợ hoang mang nói với hãng tin AP: "Tôi thực sự không biết họ ở đâu". "Tôi thậm chí còn không mảy may thắc mắc gì ".
Cô mô tả con trai là học sinh trung học thích hát và chơi guitar. Còn Leon Bearden là người chồng và người cha tốt. Họ có bốn đứa con, Cody là anh cả, đứa nhỏ nhất mới 7 tuổi. Còn những người hàng xóm mô tả họ là gia đình giản dị, tốt bụng.
Nhưng cảnh sát đã có cái nhìn khác. Hồ sơ của Leon có tiền án tội cướp, giả mạo và trộm cắp lớn kéo dài từ năm 1940. Vào thời điểm xảy ra vụ không tặc, anh ta đang được tạm tha vì tội cướp, từng phải vào viện tâm thần một thời gian.
Tại El Paso, cảnh sát, đặc vụ FBI và lính tuần tra biên giới vội vã rời khỏi giường và vội vã đến sân bay. Từ Denver, Chủ tịch hãng hàng không Continental Airlines Robert Six ra lệnh: "Dừng chiếc máy bay lại bằng mọi cách, càng lâu càng tốt". Hai máy bay chiến đấu F-100 của Lực lượng Phòng không Quốc gia bay ra khỏi Căn cứ Không quân Kirtland ở Albuquerque, hướng tới El Paso.
Theo lệnh của Leon, một chiếc xe tải chở nhiên liệu chạy dưới cánh khổng lồ của máy bay và đội mặt đất nối dây dẫn nhiên liệu.
Trên máy bay, các hành khách ngồi im lặng đến kinh ngạc khi một nữ tiếp viên hướng dẫn họ ngồi yên tại chỗ: "Chúng ta có thể sẽ bay tới Havana", Cody Bearden nằm dài ở ngưỡng cửa cabin, thản nhiên vung khẩu súng lục của mình và đưa ánh mắt ủ rũ về phía những hành khách đang sợ hãi.
Sau đó, một nữ hành khách đang mang thai trở nên sợ hãi cuồng loạn. Leon Bearden lường trước một tình huống không thể kiểm soát được đang diễn ra. Hắn chiêu mộ bốn hành khách ở lại làm con tin tự nguyện cùng phi hành đoàn, và cho phép những hành khách khác rời đi.
Một trong số bốn người tình nguyện ở lại là một anh chàng gầy gò, lém lỉnh tên là Leonard Gilman, tình cờ lại là võ sĩ, kiêm sĩ quan tuần tra biên giới Mỹ, đang làm nhiệm vụ. Những tên không tặc tất nhiên không biết điều này.
Leon muốn cất cánh ngay khi các hành khách rời khỏi máy bay. Nhưng cơ trưởng Rickards nhấn mạnh rằng chiếc 707 quá lớn để có thể hạ cánh an toàn ở Havana. Nhu cầu về một chiếc máy bay điều khiển bằng cánh quạt nhỏ hơn đã đến tai Tổng thống John F. Kennedy. Tổng thống từ chối thẳng thừng đề xuất đổi máy bay, ra lệnh rằng bất kỳ hành động nào khác đều sẽ do các đơn vị có mặt tại hiện trường quyết định.
Chín giờ sau, Leon bắt đầu quá chán nản. "Đi đi! Chúng tôi chờ đợi mệt mỏi rồi," anh ta hét lên và bắn thủng một lỗ trên sàn buồng lái một cách đầy bực dọc. Khi các động cơ lớn gầm lên và máy bay bắt đầu cất cánh, một đoàn xe gồm các sĩ quan cảnh sát trên mặt đất bất ngờ chạy ra khỏi nơi ẩn nấp và trút một loạt đạn súng máy và súng trường vào gầm máy bay. Chiếc 707 dừng lại, tám lốp của nó bị xẹp và động cơ số 2 bị nổ. Lực lượng mặt đất được lệnh không cho máy bay cất cánh bằng bất cứ giá nào.
Cha con Bearden ngồi im lặng sửng sốt. Kế hoạch táo tợn của họ rõ ràng đã thất bại. Đặc vụ FBI lên máy bay để đàm phán. Nhận thấy Leon đang trở nên điên cuồng và nói về việc tự tử còn hơn bị bắt, sĩ quan Leonard Gilman quyết định đã đến lúc cần hành động.
Chớp lấy sơ hở, Leonard Gilman nhảy đến tóm lấy sau tai Leon và hạ gục tên không tặc lớn tuổi hơn bằng một cú húc mạnh đến mức khiến chính hắn bị gãy nắm tay. Cùng lúc đó, đặc vụ FBI tóm lấy cậu nhóc Cody.
Cha con nhà Bearden, bị còng tay vào nhau, dẫn xuống đường băng.
Trước phiên tòa xét xử vào tháng 10/1961, Leon đệ đơn yêu cầu chuyển địa điểm ra nước ngoài, nói rằng với tư cách là người vô thần và đã từ bỏ quốc tịch Mỹ, ông ta không thể có được một phiên tòa công bằng ở Mỹ. Đề nghị này bị từ chối.
Trước tòa, Leon thừa nhận đã cướp chiếc máy bay phản lực và lôi kéo con trai vào âm mưu này.
Bồi thẩm đoàn mất 22 phút để kết luận ông ta phạm tội đánh cắp máy bay và bắt cóc phi hành đoàn. Leon nhận bản án chung thân. Sau nhiều lần kháng cáo, Leon được trả tự do vào năm 1976.
Cody đã nhận tội với mức án nhẹ hơn và nhận mức án nặng nhất có thể ở độ tuổi của mình, 3 năm.
Một điều trùng hợp kỳ lạ đã xuất hiện vào tháng 5 năm sau, khi chiếc Boeing 707 của Continental Airlines, cũng chính là chiếc mà cha con nhà Bearden gây ra vụ cướp, đã phát nổ trên không và rơi ở Iowa.
Các nhà điều tra xác định nguyên nhân một hành khách nam kinh doanh thu lỗ và có ý định tự tử đã mang bom lên máy bay. Người đàn ông này trước khi chết, đã mua thuốc nổ và bảo hiểm nhân thọ trị giá khoảng 275.000 USD, chỉ định người vợ đang mang thai của mình là người thụ hưởng.
Hải Thư (Theo NY Daily News, NYT, Justia, Time, El Paso Time)