(KTSG Online) – Các căng thẳng địa chính trị đang làm thay đổi dòng chảy thương mại khi các nước chuyển chuỗi cung ứng sang các các nước đồng minh và đối tác, thay vì nhà xuất khẩu hiệu quả nhất. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo, điều này có thể khiến thương mại toàn cầu phân mảnh thành các khối hình thành trên các mối quan hệ thân thiện.
- Kinh tế thế giới bị đe dọa khi thương mại toàn cầu phân mảnh
- IMF: Châu Á tổn thất lớn nhất nếu thương mại toàn cầu bị phân mảnh
Trong báo cáo phát hành hôm 12-9, WTO ghi nhận giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, số lượng thương mại tăng nhanh hơn trong các khối đồng minh so với tổng thể, tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), cho biết.
Báo cáo của WTO lo ngại điều này sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và nhiều xung đột thương mại hơn.
WTO cho rằng các chiến lược đưa hoạt động sản xuất về nước sẽ đến sự suy giảm chung về tầm quan trọng của thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Tương tự, việc tăng cường mạng lưới sản xuất với các nước có cùng quan điểm sẽ dẫn đến sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu theo các đường ranh giới khu vực và địa chính trị.
“Trật tự kinh tế quốc tế sau năm 1945 được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước thông qua quan hệ thương mại và kinh tế ngày càng tăng sẽ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung”, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói.
Bà cảnh báo, hiện nay, tầm nhìn này cũng như tương lai của một nền kinh tế toàn cầu mở và có thể dự đoán được đang bị đe dọa.
Những cú sốc lớn trong 15 năm qua đã dẫn đến quan điểm ở một số nước cho rằng, thay vì giúp họ mạnh hơn về mặt kinh tế, toàn cầu hóa lại khiến họ phải đối mặt với những rủi ro quá mức. Nhận thức này đã thúc đẩy các kế hoạch nội địa hóa chuỗi cung ứng và chiến lược chính sách thương mại dựa trên các mối quan tâm về địa chính trị.
WTO ước tính rằng dòng chảy thương mại hàng hóa giữa hai khối địa chính trị cạnh tranh giả định (dựa trên chính sách đối ngoại của các nước theo mô hình bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc), tăng chậm hơn 4-6% so với thương mại trong mỗi khối này kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra vào tháng 2- 2022.
Báo cáo của WTO cho biết, nếu thế giới bị chia thành hai khối thương mại, GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong dài hạn và sẽ giảm thêm 12% ở các nước nghèo nhất.
Theo WTO, gần đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng của các chính sách cầm buôn bán hàng hóa và dịch vụ quan trọng chiến lược, đặc biệt là với Trung Quốc ở các nước như Mỹ dựa trên lý do an ninh quốc gia. Chúng bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ sản xuất chip. Trong giai đoạn 2017-2022, đã có 38 khiếu nại về các biện pháp như vậy được đệ trình lên WTO, nhiều gấp đôi so với giai đoạn 2011-2016.
Khiếu nại về các rào cản đối với thương mại hàng hóa cũng ngày càng gia tăng, với số vụ kiện phản đối thuế áp vào hàng nhập khẩu được nhà nước trợ cấp tăng gấp đôi kể từ giai đoạn 2011-2016, lên 164 vụ trong giai đoạn 2017-2022.
Tuy nhiên, báo cáo của WTO cho biết các dự báo về “phi toàn cầu hóa” là quá sớm,
Giá trị thương mại hàng hóa thế giới tăng 12% lên 25,3 nghìn tỉ đô la vào năm 2022, một phần do lạm phát giá hàng hóa và nhiên liệu tăng do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá trị thương mại dịch vụ thế giới đạt 6,8 tỉ đô la trong năm ngoái, tăng 15% so với một năm trước đó.
Căng thẳng thương mại bắt đầu vào năm 2018 giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến sự leo thang của các biện pháp áp thuế nhập khẩu nhằm vào nhau. Tuy nhiên, báo cáo của WTO, lưu ý, bất chấp mọi trở ngại, thương mại giữa hai nước vẫn tăng trưởng và đạt mức cao kỷ lục hồi năm ngoái.
Báo cáo lưu ý, các nền kinh tế đang phát triển đã tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lên 3 điểm phần trăm vào năm 2022. Trong khi đó, thương mại hàng hóa môi trường (các sản phẩm và công nghệ giúp giảm rủi ro môi trường và ô nhiễm) tăng gấp 4 lần kể từ năm 2000, vượt xa mức tăng trưởng của hàng hóa tổng thể trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, WTO cho biết “những dấu hiệu phân mảnh đầu tiên” đang xuất hiện trong thương mại toàn cầu. WTO lo ngại về tác động của hiện tượng này đối với tăng trưởng và phát triển.
WTO cho rằng, giải pháp thay thế tốt hơn cho sự phân mảnh là “tái toàn cầu hóa”, nghĩa là mở rộng hội nhập thương mại tới nhiều người hơn, nhiều nền kinh tế hơn và nhiều vấn đề hơn.
Okonjo-Iweala nhận định, “tái toàn cầu hóa”, một động lực đổi mới nhằm hội nhập nhiều nền kinh tế và lĩnh vực hơn vào dòng chảy thương mại thế giới, sẽ giúp giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu bằng cách phổ biến công nghệ xanh. Tái toàn cầu hóa cũng giúp tăng cường an ninh vì các nước có mối quan hệ thương mại chặt chẽ ít có khả năng tiến hành chiến tranh với nhau.
Theo Financial Times, Express Tribune