Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1694/QĐ-BCT ngày 4/7/2023 phê duyệt Đề cương Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỷ trọng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen chiếm 10% tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng
Dự thảo Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.
Cụ thể, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen. Phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh và quá trình khác có thu giữ các-bon đạt 100 - 200 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10,0 - 20,0 triệu tấn vào năm 2050.
Đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydrogen trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), tòa nhà dân dụng và thương mại nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi các-bon hóa nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2050, tỷ trọng hydrogen và nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc hydrogen chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng.
Định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen
Trên cơ sở phân tích hiện trạng, tiềm năng sản xuất năng lượng hydrogen của Việt Nam và dự báo xu hướng phát triển công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng hydrogen trên thế giới, Dự thảo Chiến lược đưa ra những định hướng mới cho phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, sử dụng và cơ sở hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen.
Sản xuất năng lượng hydrogenTheo đó, giai đoạn đoạn 2023-2030, sẽ xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đầu tư và sản xuất năng lượng hydrogen. Triển khai các dự án thí điểm sản xuất năng lượng hydrogen xanh quy mô nhỏ và vừa. Khuyến khích nghiên cứu, áp dụng công nghệ thu giữ và sử dụng các-bon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí...).
Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và phát triển nhân lực cho lĩnh vực năng lượng hydrogen. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất hydrogen tiên tiến. Phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100-500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.
Định hướng đến năm 2050, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Phát triển các dự án sản xuất năng lượng hydrogen xanh quy mô lớn tại các khu vực có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, gần khách hàng tiêu thụ lớn.
Nghiên cứu khả năng sản xuất năng lượng hydrogen từ quá trình khí hóa than có thu giữ các-bon để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên than trong nước khi nhu cầu than cho phát điện giảm. Phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10,0-20,0 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Các lĩnh vực sử dụng năng lượng hydrogenGiai đoạn 2023-2030, xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sử dụng năng lượng hydrogen. Từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), thương mại và dân dụng.
Triển khai áp dụng thử nghiệm năng lượng hydrogen cho một số lĩnh vực có khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu như:
Sản xuất điện: Nghiên cứu thí điểm đồng đốt khí với hydrogen và than với ammoniac tại các nhà máy điện khí, điện than để chuẩn bị cho thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng có nguồn gốc hydrogen.
Giao thông vận tải: Nghiên cứu triển khai thí điểm áp dụng năng lượng hydrogen cho phương tiện giao thông vận tải công cộng và vận tải đường dài.
Công nghiệp: Nghiên cứu thí điểm sử dụng năng lượng hydrogen xanh thay thế hydrogen xám trong sản xuất phân bón, lọc hóa dầu. Thí điểm sử dụng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen trong sản xuất thép xanh, xi măng,... ít phát thải.
Định hướng đến 2050, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng có nguồn gốc hydrogen.
Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử các bon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050, trong đó:
Sản xuất điện: Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện khí và điện LNG sang sử dụng năng lượng hydrogen, các nhà máy điện than sang sử dụng ammoniac theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công nghiệp: Thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydrogen trong sản xuất phân bón, công nghiệp lọc hóa dầu, thép và xi măng để khử các- bon lĩnh vực công nghiệp.
Giao thông vận tải: Thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen cho các phương tiện giao thông vận tải theo lộ trình chuyển đổi xanh ngành giao thông vận tải.
Đồng thời, hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các dạng năng lượng khác.
Phấn đấu tỷ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.
Tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogenTheo Dự thảo Chiến lược, giai đoạn 2023-2030 sẽ xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen. Nghiên cứu, triển khai thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng cho tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen xanh. Xây dựng thí điểm các hệ thống phân phối hydrogen cho lĩnh vực giao thông ở các tuyến đường và khu vực có điều kiện thuận lợi.
Định hướng đến 2050, phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng tồn trữ, phân phối và sử dụng hydrogen với quy mô thị trường khoảng 10-20 triệu tấn/năm. Xem xét mở rộng và hoàn thiện các hệ thống phân phối hydrogen cho lĩnh vực giao thông trong phạm vi cả nước phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Để đạt được các mục tiêu này, Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm cần triển khai, gồm giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển lĩnh vực năng lượng hydrogen; giải pháp về đầu tư, tài chính; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giải pháp về hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, nêu rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của Bộ Công Thương; các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các địa phương; các Tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Xem chi tiết Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Triển khai Tuyên bố JETP về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng Thy Thảo