TCCT: Thưa ông, quy hoạch ngành dệt may gần nhất đã được ban hành từ năm 2014. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc ban hành một quy hoạch, chiến lược cho ngành dệt may trong giai đoạn mới, với tầm nhìn mới?
Ông Vũ Đức Giang: Điều quan trọng, mang tính sống còn của mọi nền công nghiệp là phải được hoạch định rõ chiến lược phát triển. Chúng ta đừng bao giờ suy nghĩ rằng ngành đó lớn hay nhỏ, lợi nhuận nhiều hay ít, mà bất cứ ngành công nghiệp nào cũng cần xác định được mục tiêu, định hướng phát triển trong ngắn hạn và dài hạn. Mà muốn hoạch định được những điều đó thì phải có quy hoạch, chiến lược riêng của ngành. Quy hoạch, chiến lược phát triển này chính là hành lang pháp lý chặt chẽ nhất.
Hơn thế, ban hành một chiến lược cụ thể sẽ góp phần quy hoạch lại ngành dệt may theo địa phương và vùng miền, xác định được những địa phương nào nằm trong khu vực cần phải đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào sản xuất nguồn cung thiếu hụt cho ngành dệt may và thậm chí là cả ngành da giày - một trong những điểm nghẽn của Việt Nam thời gian qua. Đã đến lúc chúng ta phải đi bằng đôi chân của chính chúng ta, phát triển bằng nội lực của chúng ta.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam thời gian qua đã ký kết và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này giúp doanh nghiệp của ta được hưởng ưu đãi thuế quan, mà dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều, nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ. Đơn cử, đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là quy tắc “từ sợi trở đi”; với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là “từ vải trở đi”.
Rõ ràng, để mở được cánh cửa vào thị trường EU với dòng thuế giảm sâu thì Việt Nam cũng cần mở cửa và giảm thuế cho một số mặt hàng của EU. Vậy nên, ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó, để những “đánh đổi” mở cửa không là vô ích. Và chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ cần chú trọng giải quyết vấn đề này.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18,05 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu vải ước đạt 10,51 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may ước nhập 3,12 tỷ USD; bông ước nhập 2,42 tỷ USD; xơ sợi các loại ước nhập 1,95 tỷ USD.
TCCT: Đúng như ông đã đề cập, sản xuất nguyên phụ liệu vẫn là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, mà một trong những nguyên nhân là các địa phương không “mặn mà” lắm với các dự án dệt nhuộm. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Ông Vũ Đức Giang: Vấn đề môi trường đúng là điều mà nhiều địa phương hay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường bây giờ vẫn còn đang lăn tăn.
Thực tế, Luật Môi trường của Việt Nam đã rất chặt chẽ, tiêu chuẩn đòi hỏi cực kỳ cao so với một số nước trong khu vực, và những đòi hỏi đấy tôi cho là chính đáng. Doanh nghiệp cần có hệ thống quan trắc gửi kết quả phản ánh tình trạng nước thải cho Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương. Với hệ thống pháp luật và cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
Mặt khác, hiện nay doanh nghiệp đầu tư các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất dệt nhuộm bên cạnh chịu áp lực về đáp ứng yêu cầu của Luật Môi trường trong nước, còn chịu áp lực về đánh giá của khách hàng. Nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn về môi trường, khách hàng sẽ không đặt hàng. Vậy nên doanh nghiệp hiểu rõ hơn ai hết mình cần phải đầu tư thiết bị, công nghệ như thế nào để đạt các tiêu chuẩn về nước thải loại A, đảm bảo yếu tố môi trường. Nếu không có được đánh giá, xác nhận về chất lượng hạ tầng và công nghệ của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, khách hàng cũng từ chối đặt hàng.
Do đó, bản thân các doanh nghiệp dệt nhuộm giờ đã đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến hơn nhiều, không còn lạc hậu như ngày trước. Đơn cử, Khu công nghiệp Bảo Minh (tỉnh Nam Định) là một khu công nghiệp điển hình về môi trường xanh, sạch, đạt các chuẩn mực về môi trường, nằm ngay trong khu dân cư, sát với đồng ruộng, nhưng từ ngày thành lập đến nay không hề có một đơn thư, khiếu nại nào của người dân quanh đó. Ngoài dệt may, tại khu công nghiệp này đã thành công thu hút cả những lĩnh vực khác như chế biến gỗ, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, sản xuất dây cáp điện,… Theo tôi đây là một mô hình tốt để chúng ta học hỏi và nhân rộng hơn trong quy hoạch ngành dệt may.
Ngành hóa chất trên thế giới thời gian qua cũng chịu áp lực nhiều từ các nhãn hàng và xu hướng tiêu dùng bền vững, nên buộc phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Các loại hóa chất sử dụng trong ngành dệt may giờ đã được cải tiến rất nhiều, không ảnh hưởng lớn đến môi trường như trước nữa và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Với những lý do này, tôi cho rằng về chính quyền các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Chính phủ hoàn toàn có thể yên tâm là với hệ thống pháp luật trong nước và sự kiểm soát, yêu cầu của các nhãn hàng, chúng ta không còn phải lo ngại về môi trường nữa. Chỉ có phát triển các nhà máy dệt nhuộm, các khu công nghiệp tập trung thì mới sản xuất được cho nguồn cung thiếu hụt, chiến lược phát triển ngành dệt may mới đạt được mục tiêu bền vững mà Đảng và Chính phủ đặt ra trong thời gian tới.
TCCT: Việc phát triển các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu này sẽ cần được đảm bảo như thế nào trong chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn tới, thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng về vấn đề này quy hoạch ngành dệt may sẽ cần đảm bảo 3 chiến lược gọng kìm lớn.
Một là, các khu công nghiệp đó phải có đường giao thông cực kỳ thuận lợi, kể cả đường không, đường sông, đường bộ, đồng thời gắn với hệ thống cảng biển để thuận lợi cho lưu thông nguyên phụ liệu cũng như hàng hóa.
Hai là, phải tạo ra liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, địa phương, vùng miền, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn.
Ba là, cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt tạo ra được một chuỗi liên kết trong nước và khu vực, có như vậy mới đảm bảo tính bền vững cho ngành công nghiệp dệt may.
Trong Quyết định phê duyệt chiến lược ngành cũng cần phân rõ, thể hiện rõ các vùng, các địa phương nào là trọng tâm trong quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà máy xử lý nước thải để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Đơn cử, bây giờ các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng không phù hợp, nên cần kêu gọi đầu tư vào những địa phương khác như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An,…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và đóng góp ý kiến cho Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương để hoàn thiện chiến lược phát triển ngành dệt may từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn từ 2030 - 2045. Hy vọng Chiến lược sẽ sớm được trình lên Thủ tướng Chính phủ để kịp thời phê duyệt và ban hành, tạo hành lang pháp lý huy động sự tham gia của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là địa phương và doanh nghiệp trong phát triển ngành dệt may giai đoạn mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
'Vực lại' dệt may, da giày ngay sau đại dịch Thu Hoài, Thái Linh, Thy Thảo