Bức xúc hơn khi nguyên nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng này lại bắt nguồn từ việc một giáo viên nhà trường thiếu ý thức, đã hút thuốc lá ngay giữa lễ khai giảng và để thuốc lá chạm vào chùm bóng bay gây phát nổ. Vụ tai nạn trên cho thấy tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan.
Ở Việt Nam, từ năm 2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ra đời với các chế tài rất chặt chẽ. Cùng với đó, năm 2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng có hiệu lực thực thi. Thế nhưng đến nay, tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tinh thần của những người xung quanh.
Hiểm họa của thuốc lá đối với cộng đồng là không phải bàn cãi, tuy nhiên việc xử lý những trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng đang gặp nhiều khó khăn, bởi hành vi hút thuốc diễn ra bất chợt, vị trí không cố định và thiếu lực lượng chức năng để phát hiện, xử phạt.
Do đó, để việc xử lý hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, cần liên tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, đồng thời tăng thuế thật cao đối với mặt hàng thuốc lá.
Cùng với đó, cần áp dụng điều 8 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá với yêu cầu thực thi môi trường 100% không khói thuốc lá, vì không có mức phơi nhiễm nào là an toàn. Việc thực thi này nên được thực hiện toàn diện tại nơi làm việc, trong nhà, nơi công cộng.
Ngoài ra, cần lắp hệ thống camera tại nơi công cộng để giám sát, phạt “nguội” các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng.
NGUYỄN QUỐC