Không phải ngẫu nhiên khi tháng 8 vừa qua, TPHCM có nhiều hoạt động tập trung những giải pháp cho nền kinh tế xanh và môi trường phát triển bền vững. Trước xu thế toàn cầu, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang có những bước đi cần thiết để trang bị nền tảng, phương pháp thực thi về nhận thức lẫn hành động một cách có trách nhiệm để bảo vệ “ngôi nhà chung” Trái đất, hướng đến sự phát triển bền vững.
Lễ hội sông nước lần đầu tiên do TPHCM tổ chức trong tháng 8 nhấn mạnh đến nhiều thông điệp. Dòng sông trong lòng thành phố luôn là biểu tượng của thiên nhiên, của văn hóa và của sự phát triển dựa trên hài hòa với thiên nhiên. Và dĩ nhiên, khi chúng ta tìm cách phát triển các hoạt động trên dòng sông Sài Gòn, một điểm rất quan trọng là phải bảo vệ được những yếu tố xanh của dòng sông cả về môi trường lẫn về sự tương tác của nó với cộng đồng.
Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero - Đường đến phát triển bền vững” (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 18-8) đã nêu rõ những thách thức, trách nhiệm và cũng là cơ hội của các doanh nghiệp trong mục tiêu giảm phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero). Yêu cầu được đặt ra một cách cụ thể, đó là nhà nước cần xây dựng khung pháp lý ổn định, doanh nghiệp xây dựng “kịch bản” giảm carbon sớm với tiêu chí 3 không (không nước thải, không khí thải, không rác thải) và lộ trình thực hiện ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp).
Để tiếp thêm động lực và tạo nguồn lực, ngày 21-8, cuộc thi Net Zero Challenge đã được công bố. Đây là bước phối hợp đầu tiên của Quỹ Touchstone Partners và Temasek Foundation (Singapore) với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) nhằm giải quyết khoảng cách về nguồn vốn cho các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững, với 3 vấn đề chính: Năng lượng tái tạo và trung hòa carbon; Hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững; Kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải. Ý thức rõ các giải pháp về chống biến đổi khí hậu thường thu hút ít vốn đầu tư hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác nên cuộc thi là một động thái tự nhận lấy trách nhiệm xã hội để gia tăng sự hỗ trợ của Chính phủ, các tập đoàn.
Cũng mang theo giá trị bền vững, Diễn đàn Thành phố Thông minh và Bền vững (SSC) 2023 do Trường Đại học RMIT Việt Nam tổ chức nhằm giải quyết 2 nhu cầu trọng tâm: nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và năng lượng sạch hơn; nhu cầu về nguồn lao động kỹ thuật số. Rõ ràng, với lượng phát thải của TPHCM gần 57,6 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng cố định và giao thông chiếm đến 93,6% thì việc chuyển đổi sang tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch từ mặt trời, điện gió… là những giải pháp mang tính sống còn.
Không còn chọn lựa nào tối ưu hơn, như hành động mà sự kiện Đổi mới Sáng tạo quốc tế InnoEx 2023 (khai mạc ngày 24-8) đưa ra là “Đổi mới để tăng trưởng bền vững” trong chủ đề “Đổi mới sáng tạo và nền kinh tế xanh”. Sự tham dự của các đối tác liên ngành chiến lược, quỹ đầu tư quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính cấp thiết trong thực tế và tiềm năng tăng trưởng đột phá trong tương lai.
TPHCM không chỉ là đơn vị, nơi đăng cai tổ chức mà chính quyền thành phố đã đón đầu xu thế cũng như nắm rõ các “tín chỉ” bắt buộc trên thị trường toàn cầu để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch chiến lược, xây dựng thang giá trị, bộ tiêu chí đáp ứng yêu cầu chung.
Sau hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” của Báo SGGP ngày 6-9 sẽ là Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023 lần thứ 4 (dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 17-9) do UBND TPHCM chủ trì tổ chức với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0”. Để thấy, theo đuổi những “tín chỉ” thị trường của kinh tế xanh đã là một yêu cầu bắt buộc, tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh - một yêu cầu sống còn cho thế giới, ở thì tương lai.
NGUYỄN QUÂN CÁT