Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 90 năm ngày sinh của GS Hoàng Xuân Sính (5/9/2023), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản sách "Gr-Catégories" gồm toàn văn bản luận án tiến sĩ của bà Sính. Bà là nữ tiến sĩ và nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam.
Đại diện nhà xuất bản cho biết đây là công trình rất có giá trị về mặt khoa học, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về sau của lý thuyết "n-Catégories" và ứng dụng trong Vật lý tô-pô.
Công trình thu hút cộng đồng Toán học quốc tế bởi nội dung phong phú và những kết quả khoa học quan trọng trong lĩnh vực. Nhiều độc giả quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Xuân Sính, cũng như bối cảnh ra đời đặc biệt của luận án. GS Sính viết tay hơn 200 trang luận án trong điều kiện chiến tranh, thầy hướng dẫn ở Pháp, chủ yếu liên lạc qua thư từ.
GS Hoàng Xuân Sính sinh ngày 5/9/1933, quê làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1, ban Sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp tại trường THPT Chu Văn An, bà sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi đại học, chuyên ngành Toán học.
Tốt nghiệp Đại học Toulouse, bà học lên thạc sĩ Toán học ở tuổi 26. Rời bỏ tiện nghi ở nước Pháp, năm 1960, bà về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 5/1975, bà Sính quay lại, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7.
Luận án của của bà có tên "Gr-Catégories" (Gr -Phạm trù), gửi cho thầy giáo là giáo sư Toán học nổi tiếng Alexandre Grothendieck năm 1973.
Đây là luận án tiến sĩ viết tay duy nhất được bảo vệ tại Pháp (và có thể là trên thế giới). Thông thường, luận án tiến sĩ viết tay không được chấp nhận, nhưng nhờ vị thế của GS Grothendieck, hội đồng đã cho đánh máy hơn 200 trang luận án để đưa ra bảo vệ.
Trước đó, bà trình bày kết quả nghiên cứu tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 tại Vancouver (Canada).
Trong lời giới thiệu về "Gr-Catégories", GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, chia sẻ tác giả luận án tiến hành những nghiên cứu khoa học ở tầm rất cao trong điều kiện cô lập với cộng đồng quốc tế, thiếu thông tin, tài liệu, thiếu cả những phương tiện tối thiểu nhất như bút giấy, ánh sáng.
"Một điều hiếm thấy nữa là phần tài liệu tham khảo của luận án chỉ có 16 cái tên mà trong đó hầu hết là sách, không phải các bài báo. Điều này chứng tỏ những kết quả nhận được trong luận án không phải là sự mở rộng những kết quả đã có mà là sự khởi đầu", ông Khoái viết.
Theo đại diện nhà xuất bản, luận án này chưa từng được xuất bản mặc dù có nhiều bản sao được lưu tại thư viện của nhiều trường đại học ở Pháp và châu Âu.
Cuốn sách còn đính kèm bài viết về nội dung khoa học và ý nghĩa luận án với nhan đề "Hoàng Xuân Sính's thesis: Categorifying Group Theory" của GS John C. Baez, nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Toán học và Khoa học tính toán.
"Kết quả của bà Hoàng Xuân Sính rọi ánh sáng lên vấn đề nghiên cứu các kiểu đồng luân của các không gian tương đối 'đẹp', chẳng hạn các CW-complex", GS John Baez, viết. Ví dụ đầu tiên và quan trọng là trường hợp các không gian có nhóm cơ bản πn(X) = 0 với n > 2: từ kết quả của GS Hoàng Xuân Sính suy ra rằng chúng là các 2-nhóm, tức là các Gr-phạm trù.
Thăng Long - trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam, ngôi trường do GS Sính sáng lập, đang tổ chức triển lãm mang tên "Hoang Xuan Sinh Exhibition". Tại triển lãm này, một bảng thông tin về "luận án tiến sĩ viết tay duy nhất được bảo vệ tại Pháp" cũng được trưng bày.
GS Hà Huy Khoái cho biết bản gốc viết tay được đưa về Việt Nam sau nửa thế kỷ lưu lạc nhờ sự giúp đỡ của GS Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse, Pháp và TS Jean Malgoire, nghiên cứu sinh cuối cùng của GS Grothendieck.
Với 1.000 cuốn cho lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách sẽ được trang bị cho các khoa đào tạo, viện nghiên cứu Toán học trong nước, các thư viện ở Pháp và nhiều nước khác.
Dương Tâm