(KTSG Online) – Chiến lược về phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt đã đặt mục tiêu là đến năm 2030, giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 6 tỉ đô la Mỹ/năm.
- Gắn kết xây dựng nông thôn mới với hiệu quả của OCOP
- Chuyển đổi sang nông nghiệp carbon thấp: cuộc đua với thời gian
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định số 1058 về chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt 6-7%/năm. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng đạt trên 6 tỉ đô la Mỹ/năm. Các vùng nguyên liệu tập trung sẽ đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 80% và tỉ lệ lao động được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%. Thu nhập bình quân của lao động trong các ngành nghề lao động nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.
Mục tiêu của chiến lược là phát triển tiềm năng của khu vực nông thôn, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Những nhóm ngành nghề nông thôn này là nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm sản xuất muối; nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Trong đó, mục tiêu của nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản tăng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại sao cho thân thiện với môi trường, đồng thời, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hướng đến việc tạo các mẫu sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn hướng đến hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, được cấp chứng chỉ bền vững.
Về thị trường tiêu thụ, chiến lược này là cơ sở kết nối tiêu thụ sản phẩm với các đô thị lớn, đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân; xây dựng các chương trình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề để sản xuất tại chỗ các sản phẩm ngành nghề nông thôn. Ngoài tiêu thụ trong nước, các sản phẩm này cũng hướng đến việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, châu Á, Nhật Bản… và một số thị trường tiềm năng như khu vực Trung Đông, châu Phi.