(KTSG) – Sau khi chứng kiến xu hướng sụt giảm liên tục trong những tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại của Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện những tín hiệu khởi sắc hơn, đưa đến kỳ vọng đà phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm 2023. Đâu là những yếu tố hỗ trợ?
- Nếu bị EC rút ‘thẻ đỏ’, xuất khẩu hải sản bị ảnh hưởng ra sao?
- Thị trường gạo châu Á tiếp tục căng thẳng sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu
Kỳ vọng khả quan hơn trong giai đoạn cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8-2023 của Việt Nam ước đạt 32,37 tỉ đô la Mỹ, tính theo tháng là cao nhất trong vòng một năm qua và đánh dấu tháng thứ 4 đi lên liên tiếp.
Cụ thể, tháng 5 tăng 0,4% so với tháng liền kề trước đó, tháng 6 tăng 5%, tháng 7 tăng 2,1% và tháng 8 tăng 7,6%. Trong đó, xuất khẩu ở khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỉ đô la, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), đạt 23,94 tỉ đô la, tăng 7,3%.
Lũy kế tám tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỉ đô la, thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm trước xuống còn 10%, từ mức giảm hơn 12% trong sáu tháng đầu năm nay. Điều này cho thấy hoạt động thương mại đang có tín hiệu ngày càng tích cực, khi sức mua của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và niềm tin của người tiêu dùng đang tăng trở lại.
Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng tăng trong vài tháng trở lại đây với nhóm hàng chính là tư liệu phục vụ sản xuất, đưa đến kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8-2023 ước đạt 28,55 tỉ đô la, cũng ghi nhận tháng thứ 4 tăng liên tiếp so với tháng liền kề trước đó, với tháng 5 tăng 3,3%, tháng 6 tăng 1,2%, tháng 7 tăng 2,4% và tháng 8 tăng 5,7%. Theo đó, giúp kim ngạch nhập khẩu tám tháng cũng thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm trước xuống còn 16,2%.
Để tăng cường lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, chính sách tỷ giá gần đây đã được điều hành theo hướng linh hoạt hơn với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng nhanh hơn, trong bối cảnh áp lực lạm phát và lãi suất trong nước đã không còn quá đáng lo, trong khi các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc liên tục phá giá tiền tệ và đô la Mỹ cũng tăng mạnh trên thị trường quốc tế.
Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó nhận định rằng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và điều này ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á. Nhu cầu từ một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm Mỹ và EU, đã giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, ngành sản xuất công nghiệp do đó đã bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong các báo cáo gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, do xuất khẩu bắt đầu phục hồi và các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tài khóa, sẽ kích thích nền kinh tế.
VinaCapital mới đây công bố bài phân tích của ông Michael Kokalari – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường – với nội dung “Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy”, và sự phục hồi xuất khẩu sẽ được thúc đẩy bởi hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh và hàng may mặc.
Cụ thể, quỹ này tin rằng sự cải thiện trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc trong thời gian tới, dựa trên những chỉ số đáng tin cậy, bao gồm: 1) Tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu của Việt Nam cuối cùng đã “bắt nhịp” với xuất khẩu trong tháng 7 sau khi chậm lại trong nhiều tháng trước đó (điều này sẽ được thảo luận cụ thể hơn ở phần sau); 2) Sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam đã được cải thiện trong tháng 7 và 3) Lượng tồn kho nguyên liệu đầu vào của các công ty sản xuất đã tăng trong tháng 7 – lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022.
Còn theo Bộ Công Thương, một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm.
Đặc biệt, trong bối cảnh địa chính trị vẫn căng thẳng với sự đối đầu và tách rời nhau của các cường quốc, các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Yếu tố hỗ trợ
Theo giới phân tích, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã tăng nhanh và đạt đỉnh vào cuối năm 2022 với mức tăng trưởng là 20% so với cùng kỳ, do các doanh nghiệp đã đặt hàng quá nhiều từ các nhà máy ở châu Á nhằm giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hàng.
Và để giải quyết lượng tồn kho ở mức quá cao, các tập đoàn đa quốc gia đã cắt giảm đơn đặt hàng tại các nhà máy Việt Nam, dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã giảm hơn 20% trong bảy tháng đầu năm 2023, sau khi tăng mạnh hơn 20% ở cùng kỳ.
Tuy nhiên, giờ đây xu hướng đang có dấu hiệu đảo ngược lại, khi hàng tồn kho trên toàn thế giới nói chung và Mỹ nói riêng đang giảm với tốc độ khá nhanh, hiện đã giảm về mức 10% và sẽ tiệm cận mức 0% vào cuối năm nay.
Với việc các công ty tại Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho, các hoạt động sản xuất đang dần tích cực trở lại và các đơn hàng tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm nay. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã cải thiện đáng kể, từ mức giảm 22% trong tháng 7 xuống còn 19% trong tháng 8.
Các số liệu về hoạt động sản xuất trong nước cải thiện càng củng cố cho kỳ vọng hoạt động thương mại đang trên đà phục hồi trở lại. Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam cập nhật gần nhất đến tháng 8-2023 đạt 50,5 điểm, đã leo lên trở lại mốc 50 điểm và ghi nhận tháng thứ 3 đi lên liên tiếp, đặc biệt số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ tháng 2-2023.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu/mua sắm nguyên liệu đầu vào, dần đẩy mạnh hoạt động sản xuất do kỳ vọng về sự phục hồi đơn đặt hàng xuất khẩu vào cuối năm nay.
Hay như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8-2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, tốc độ tăng chỉ số IIP tháng 8-2023 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn là: Hải Phòng tăng 26,4%; Bắc Ninh tăng 8,2%; Thái Nguyên tăng 6%; Bắc Giang tăng 5,4%; Vĩnh Phúc tăng 5,3%; TPHCM tăng 3,4%; Long An tăng 1,5%; Bình Dương tăng 1,1%.
Thời gian tới, các địa phương tập trung các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mới. Ví dụ, Samsung kỳ vọng doanh số xuất khẩu sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm nhờ vào việc ra mắt các mẫu điện thoại mới.
Ngoài ra, các yếu tố như các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi vào thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Về mặt chính sách, các cơ quan quản lý đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất, nhập khẩu. Theo Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 21-7-2023, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp phí. Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý để nộp, doanh nghiệp có thể nộp bằng hình thức trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh.
Bộ Công Thương có kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) vào giữa tháng 9 này, dựa trên cơ sở các mục tiêu của đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14-11-2022. Mục tiêu nhằm tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng Việt; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển xuất, nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để tăng cường lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, chính sách tỷ giá gần đây đã được điều hành theo hướng linh hoạt hơn với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng nhanh hơn trong hơn một tháng qua, trong bối cảnh áp lực lạm phát và lãi suất trong nước đã không còn quá đáng lo, trong khi các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc liên tục phá giá tiền tệ và đô la Mỹ cũng tăng mạnh trên thị trường quốc tế.
Cuối cùng, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông nghiệp, lương thực, thực phẩm đang được hưởng lợi khi giá tăng mạnh trên thị trường quốc tế, cũng sẽ hỗ trợ cho kim ngạch xuất khẩu. Đơn cử như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao thời gian gần đây sau khi một loạt nước hạn chế xuất khẩu gạo và tăng cường tích trữ. Hay như các sản phẩm thủy, hải sản cũng có thể chứng kiến xu hướng tương tự, trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước lo ngại về các mặt hàng hải sản của Nhật Bản, sau khi Tokyo bắt đầu đợt xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển đầu tiên vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua.