Hàng Việt làm quen với thị trường Thái
Trung tuần tháng 8 này, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (sở hữu các thương hiệu siêu thị BigC, Tops Market, GO!) tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Central World, Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp Việt giới thiệu các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP đến từ vùng ĐBSCL, TPHCM; tham gia kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán lẻ tại Thái Lan để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Người tiêu dùng đang chọn mua nông sản chế biến của Việt Nam tại một siêu thị Thái Lan
Lần lượt trước đó, tháng 7, Central Retail đã nhập vải thiều Việt Nam sang Thái Lan và tổ chức sự kiện quảng bá trái vải tại siêu thị Tops Food Hall với giá hơn 170.000 đồng/kg. Đây là lần thứ 2, Central Retail đưa vải thiều sang Thái Lan. Tháng 6, siêu thị AEON Việt Nam tổ chức “xuất ngoại” sản phẩm Việt Nam tới tất cả siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống AEON tại Nhật Bản. Đại diện siêu thị AEON Việt Nam cho biết, sản phẩm “đinh” của Việt Nam vẫn là nông sản, thủy hải sản tươi sống như vải, nhãn, chuối, thanh long, dừa tươi, tôm, bạch tuộc, cá da trơn… Hầu hết sản phẩm của Việt Nam đều được người tiêu dùng ở đây đón nhận.
Bà Mitsuko Tsuchiya, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn AEON Nhật Bản, cho hay, đây là lần đầu hệ thống AEON Nhật Bản giới thiệu sản phẩm nông nghiệp nhập từ Việt Nam. Từ năm 2017 đến năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đã đạt hơn 2 tỷ USD, chủ yếu là sản phẩm thời trang, gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Tiếp thị MM Mega Market, chia sẻ, nhiều năm trước, siêu thị đã đưa sản phẩm Việt Nam, nhất là nông sản tươi, vào chuỗi siêu thị của tập đoàn. Doanh nghiệp đang tìm hiểu thêm thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu nông sản Việt vào kênh phân phối ở đây. Năm 2023, MM dự kiến xuất khẩu tăng hơn 20%-30% so với năm trước.
Doanh nghiệp tận dụng thời cơ
Để đưa nông sản Việt vào thị trường Nhật Bản, ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, nhân viên có chức trách của đại sứ quán và Tập đoàn AEON thường xuyên trao đổi, nghiên cứu thị trường, từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp để giới thiệu tới các siêu thị. Thời gian tới, AEON tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương, các tỉnh thành để tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới người tiêu dùng Nhật Bản.
Người tiêu dùng lựa chọn nhãn Việt Nam tại một siêu thị ở Thái Lan
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, nhận định, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững cho hàng hóa Việt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương quan tâm đến hình thức xuất khẩu này. Bộ Công thương đã phối hợp với hầu hết các địa phương để thúc đẩy doanh nghiệp sở tại xuất khẩu vào các kênh phân phối quốc tế. Các kênh phân phối nước ngoài càng được đánh giá cao và được coi là một kênh xuất khẩu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm hiệu quả.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang trở thành trung tâm sản xuất lớn của toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng với sự đa dạng, phong phú chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng hàng hóa ngày càng được cải thiện. Từ đó, nhiều tập đoàn phân phối bán lẻ với chiến lược đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung bền vững đã lựa chọn Việt Nam là một trong những trọng điểm để phát triển chuỗi cung ứng cho hệ thống của mình. Bộ Công thương đánh giá, đây chính là những “cửa ngõ” rất tốt để hàng hóa Việt Nam thâm nhập, phân phối đi khắp thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân phối cũng rất cần những hàng hóa có chất lượng và giá cả cạnh tranh để phục vụ khách hàng nên các doanh nghiệp Việt luôn phải nỗ lực để có hàng hóa đáp ứng yêu cầu này.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thông tin, các siêu thị có vốn FDI thường là doanh nghiệp lớn, có kênh phân phối ở nhiều nước và có kinh nghiệm trong việc quản lý chất lượng phù hợp để xuất khẩu. Vài năm gần đây, các siêu thị FDI ở TPHCM đã trở thành kênh xuất khẩu rất tốt. Các siêu thị này có đội ngũ làm việc tại nhiều nước, không phụ thuộc vào các doanh nghiệp trung gian bên nước nhập khẩu nên giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các nông sản nước khác. Do đó, đây chính là một hướng xuất khẩu hiệu quả mà doanh nghiệp Việt nên nắm bắt.
Bộ Công thương phối hợp với hệ thống phân phối, hệ thống thu mua nước ngoài và các hiệp hội ngành hàng, địa phương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” từ ngày 13 đến 15-9 tại TPHCM, với khoảng 200 đoàn thu mua từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
QUÝ NGỌC